Miền đất "Triệu voi”

Nguyễn Văn Thanh| 05/09/2017 14:48

Nước Lào, trước đây còn gọi là Vương quốc Lạn Xạng, “Lạn” tiếng Lào là triệu, “xạng” là voi. Lạn Xạng có nghĩa là “Triệu Voi”. Được mệnh danh là miền đất "Triệu voi”, Lào nằm ở nơi giao hội của hai nền văn minh vĩ đại và hùng mạnh nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Hoa.

ADQuảng cáo

Người dân Lào đã tiếp thu những phong tục và tín ngưỡng của hai nền văn minh ấy để hình thành nên một nền văn hóa đặc sắc của riêng mình hết sức độc đáo.

Tháp That Luang (Thạt Luổng) - Di sản văn hóa thế giới, biểu tượng văn hóa Phật giáo và hiện được coi là biểu tượng của nước Lào. Ảnh tư liệu

Nền văn hóa Lào là nền văn hóa Phật giáo với 90% dân số theo đạo Phật. Với dân số khoảng 7 triệu người và có tới 1.400 ngôi chùa lớn nhỏ, Lào là nước có tỉ lệ chùa so với dân cao nhất thế giới. Chùa chiền, đền tháp là nơi gắn bó cả đời với người Lào, cũng là yếu tố góp phần gắn kết các bộ tộc Lào lại với nhau. Chùa chiền với những mái ngói uốn cong nhiều dáng vẻ còn là biểu hiện sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và thẩm mỹ của người Lào.

Lào là đất nước của bốn mùa lễ hội. Cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á, lễ hội tại đất nước Lào cũng chia làm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ là phần nghi thức do chính con người đặt ra để giao cảm với thần linh và phần hội chủ yếu là vui chơi, giải trí. Mỗi năm có 4 lần tết: Tết Dương lịch, tết Nguyên đán (như ở một số nước Á Đông), Tết Lào (Bunpimay vào tháng 4) và Tết H'Mong (tháng 12).

ADQuảng cáo

Ngoài ra, Lào còn các lễ hội: Bun PhaVet (Phật hóa thân) vào tháng 1; Bun VisakhaPuya (Phật Đản) vào tháng 4; Bun BangPhay (pháo thăng thiên) vào tháng 5; Bun Khao PhanSa (mùa chay) vào tháng 7; Bun Khao Padapdin (tưởng nhớ người đã mất) vào tháng 9; Bun Suaghua (đua thuyền) vào tháng 10. Lễ hội ở Lào hay còn được gọi là Bun, nghĩa là phước, làm Bun nghĩa là làm phước để được phước.

Lào có tết cổ truyền Bunpimay (có nghĩa là mừng năm mới) hay còn gọi là Tết té nước diễn ra vào giữa tháng 4 hằng năm. Người Lào gọi tết là vui tết chứ không gọi là ăn tết, tất cả các cuộc vui được chuẩn bị theo truyền thống tôn giáo, phù hợp với phong tục tập quán của người Lào.

Chăm pa (hoa đại) là một loài hoa biểu tượng của đất nước và con người Lào, mang đậm một bản sắc riêng biệt, hương sắc ngào ngạt của hoa chăm pa phản ánh rõ tính cách, tâm hồn của dân tộc Lào, với những con người có một vẻ đẹp giản dị, chan hòa và chất phác, thật thà. Ngoài cái đẹp bản sắc riêng của dân tộc Lào, hoa chăm pa có 5 cánh hoa xòa ra thể hiện sự đoàn kết muốn hợp tác vươn tới 5 nước láng giềng. Đến với đất nước Lào (Triệu voi) là đến thăm đất nước hoa chăm pa xinh đẹp. Hạnh phúc biết bao khi được các cô gái choàng lên cổ vòng hoa chăm pa, buộc vào cổ tay vòng chỉ cầu mong phúc lành, đam mê không muốn dứt trong những điệu múa Lăm vông dưới bóng cây chăm pa.

Người Lào rất gần gũi và hầu như không gặp trở ngại gì lớn trong văn hóa và giao tiếp. Sự hài hòa giữa lòng nhân ái và tinh thần cộng đồng là một nét đặc sắc trong triết lý nhân sinh người Lào. Ngạn ngữ Lào có câu: “Nói hợp lòng thì xin ăn cho cũng chả tiếc, nói trái ý thì dẫu xin mua cũng chẳng bán”. Người Việt còn lưu lại trong thư tịch cổ: “người Lào thuần hậu chất phác”, trong giao dịch buôn bán thì “họ vui lòng đổi chác”. Đó cũng là tình cảm bình dị, chân thành mà người dân nước Việt Nam dành cho người dân láng giềng của mình.

Đất nước Lào có nhiều công trình lịch sử văn hóa, có thiên nhiên tươi đẹp, có nhiều cảnh quan kỳ thú như Thạt Luổng (Viêng Chăn), cố đô Luông Phra-băng (di sản văn hóa thế giới), chùa Vạtxixun (Luông pha băng), núi Phú Xỉ, cánh đồng Chum huyền bí (Xiêng Khoảng), thác Khôn, thác Quang Xi, hang Thẳm tình.v.v...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền đất "Triệu voi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO