Nấm Tràm - “vị ngọt” của quê hương

Mỹ Hằng| 04/08/2017 10:06

Có lẽ đối với những người con sinh ra ở tỉnh Quảng Trị nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung, nấm Tràm chẳng xa lạ gì, bởi nó gắn liền với bữa cơm của những ngày mưa gió.

ADQuảng cáo

Nấm Tràm - một loại nấm dùng để chế biến thức ăn thường mọc dưới những rừng tràm. Đó là loại tràm gió nguyên thủy, thân có lớp vỏ như giấy lụa bọc quanh, lá nhỏ và nhọn hoắt, cây thường mọc cong queo, nếu mọc một mình thì sẽ thành dạng bụi. Loại tràm này thuộc một họ với tràm ở Tây Nam bộ. Tràm miền Trung sống trên những quả đồi sỏi đá, cây cao khoảng vài ba mét, có cây “bon chen” lắm mới cao được 5-6m, nhưng thân lại gầy gò.

Nấm Tràm sau khi hái.

Vào mùa khô, lá tràm rụng xuống tạo thành một lớp dày đặc, phía dưới có chút ẩm sẽ mục rữa thành mùn đất và đây là nguồn dinh dưỡng cho cây cỏ, nấm mọc về sau. Đầu mùa hạ, khi những cơn mưa rào kèm giông tố kéo đến cũng là mùa sinh sôi của nấm. Lúc này, người dân quê tôi hớn hở chuẩn bị dụng cụ lên núi hái nấm. Nấm mọc đùn đùn dưới lớp lá hoai mục nhiều vô kể và chỉ nhặt bỏ giỏ mang về. Nấm mới lên được gọi là nấm búp, tai nấm hãy còn khép nép vào thân, màu nâu thẫm đến tím. Người ta thích lượm nấm búp hơn vì nó chắc chắn, để được lâu, nên có thể chờ vài hôm đem ra chợ bán. Còn nấm lớn, đã phát triển sau vài ngày mưa thì tai nấm lớn bành ra như chiếc ô bung hết cỡ, có màu nâu nhạt, dễ bị gãy, nhàu nát nên thường để ở nhà ăn. Có lúc nấm nhiều và rẻ quá, người dân quê tôi lại phơi nấm cho khô, cất ăn vào mùa mưa lũ.

Về cách chế biến món ăn từ nấm Tràm khá đơn giản. Nấm được làm sạch, ngâm nước muối chừng 15 phút, luộc qua cho bớt đắng. Thân và tai nấm luộc chín sẽ hơi nhầy, khi ăn sẽ trơn tuột vào trong cổ tự lúc nào chẳng hay. Nấm rửa sạch, để ráo và nêm gia vị, có thể xào cùng với thịt ba chỉ; nấu canh với tép tươi, rau muống hoặc rau lang. Ngoài nấu canh, nấm Tràm còn có thể nấu cháo gạo, bánh canh... (tùy theo sở thích của từng gia đình).

ADQuảng cáo

Các món chế biến từ nấm Tràm đều có vị đăng đắng và một mùi thơm không thể diễn tả được. Cảm giác khi ăn, vị đắng thanh thanh xen chút ngọt còn vương trên đầu lưỡi. Cái hay và đặc biệt của nấm Tràm là khi ăn chưa phải lúc đắng nhất. Lúc vừa ăn xong, uống một ngụm nước vào mới cảm nhận được vị đắng, như là vị đắng trong cuộc sống mưu sinh của con người miền Trung gian khó.

Nấm Tràm - món ăn yêu thích của người miền Trung.

Người dân quê tôi thường bảo “thuốc đắng dã tật”. Nấm Tràm đắng vậy, nhưng lại có tác dụng thanh nhiệt cơ thể rất tốt, còn hiệu quả hơn cả chục thứ thuốc mát gan mát phổi. Và cứ thế, nầm Tràm luôn hiện hữu cùng bữa ăn của người dân quê tôi.

Không chỉ là món ngon, đặc sản mà theo quan điểm đông y, nấm Tràm còn là vị thuốc, chữa được mỏi mệt, cảm cúm, nhức đầu. Vị đắng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và giã rượu. Chính vì vị đắng đặc trưng nên không phải ai cũng có thể ăn được, nhất là trẻ con. Dẫu đắng như thế, nhưng đối với những người con xa quê thì nó vẫn luôn ngọt ngào như “vị ngọt” của quê hương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nấm Tràm - “vị ngọt” của quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO