Người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản phong Giáo sư

Hà Hữu Nết| 16/05/2014 09:43

Giáo Sư - Tiến sĩ (GS.TS) Đặng Lương Mô là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản phong Giáo sư. Ông đã công bố hơn 300 công trình khoa học và sáng tạo mạch điện tử Dang Model nổi tiếng, mà cả thế giới tin dùng.

ADQuảng cáo

GS.TS Đặng Lương Mô còn góp phần quan trọng chế tạo “con chíp” điện tử đầu tiên mang thương hiệu “Made in Viet Nam”.

Giáo Sư Tiến sĩ Đặng Lương Mô

Ông sinh năm 1936 tại Hải Phòng. Năm 1954, ông cùng gia đình vào Sài Gòn, học trường Chu Văn An và đậu tú tài đôi. Năm 1956, Trường Kỹ sư Công nghệ Sài Gòn được thiết lập, ông thi vào đó và đậu thủ khoa. Đồng thời, đăng ký học cả ở Đại học Khoa học Sài Gòn.

Cũng năm 1956, ông được học bổng, sang Nhật học tiếng Nhật (1 năm) đậu thủ khoa, rồi trúng tuyển vào Đại học Tokyo (The University of Tokyo) ngành Công nghệ Điện tử (Electronic Engincering). Thời đó, ngành Điện tử còn rất mới mẻ trên toàn thế giới.

Ông tiếp tục học lên, năm 1968 đỗ Tiến sĩ khoa học tại Nhật. Sau đó, đi làm cho Tập đoàn Toshiba, đến năm 1971 thì về Sài Gòn. Lúc ấy, được phong Phó Giáo sư, giảng dạy tại Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh).

Năm 1973, làm Viện trưởng Học viện Quốc gia Kỹ thuật Sài Gòn (nay là Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh). Năm 1975 đất nước thống nhất, ông vẫn làm việc ở Sài Gòn. Năm 1976, được Nhà nước cho sang Nhật làm việc, đến năm 2002 nghỉ hưu xin về nước.

Từ 2002 đến nay, mình làm cố vấn và giảng dạy tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Năm 1979, ông công bố “Mô hình Transistor MOSFET” - mô phỏng vi mạch điện tử. Sau đó, mô hình này được Đại học California lồng vào bộ mô phỏng SPICE. Từ đó, mô hình được biết đến với tên gọi Dang Model (Mô hình họ Đặng).

ADQuảng cáo

Bộ mô phỏng SPICE, từ năm 1980 đến nay luôn đóng vai trò chủ chốt trong thiết kế vi mạch, được cả thế giới sử dụng. Nhờ vậy, “Dang Model” xuất hiện trên sách giáo khoa và tài liệu vi mạch toàn thế giới. Ông được phong Giáo sư năm 1983, vì có nhiều công trình khoa học điện tử được áp dụng trong thực tiễn.

Khi Đại học Hosei, Tokyo mở Khoa Điện tử - Tin học, cần một Giáo sư đầu đàn làm Chủ nhiệm, mình được phong Giáo sư thực thụ để đảm nhiệm vai trò này, là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản phong Giáo sư.

Ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, chương trình Cao học Điện tử vi mạch (dạy bằng tiếng Anh) do mình đề xuất và đứng tên mở năm 2007, có nhiều GS nước ngoài và Việt kiều danh tiếng giảng dạy.

Đến nay, đào tạo được 5 khóa với khoảng 100 Thạc sĩ vi mạch (có người đang là giảng viên Đại học trong nước, một số khác ra nước ngoài học tiếp lấy bằng Tiến sĩ). Đây là những “viên gạch” tốt xây dựng ngành Điện tử Việt Nam non trẻ. Năm 2005, ông đề xuất thiết lập Trung tâm Nghiên cứu đào tạo thiết kế vi mạch.

Ông luôn đồng hành cùng Trung tâm và góp phần tích cực với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chế tạo “con chíp” điện tử đầu tiên mang thương hiệu “Made in Viet Nam”. Ông còn vận động thành lập Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật Việt kiều, Hội Công nghệ vi mạch TP. Hồ Chí Minh, Hội nghị Khoa học Vi mạch (gọi tắt là Hội nghị 4S tổ chức 2 năm 1 lần), Quỹ học bổng Toshiba của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ông đã dùng khá nhiều lương hưu ủng hộ Quỹ).

Các tổ chức này hoạt động rất hiệu quả, góp phần thúc đẩy KT-XH đất nước phát triển. Với việc cống hiến hơn 300 công trình khoa học cho nhân loại, GS.TS Đặng Lương Mô được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học New York, Hội viên thượng cấp Hội Kỹ sư Điện - Điện tử - Tin học Hoa Kỳ.

Ông được trao tặng “Giải thưởng Vinh danh nước Việt”, là nhà khoa học tiên phong phát triển ngành Vi mạch điện tử Việt Nam. Ông có tên trong Danh sách Người nổi tiếng Thế giới (Marquis Who’s Who In The World).

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản phong Giáo sư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO