Phát hiện Quần thể cổ thực vật Sồi ba cạnh quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung

Nguyễn Đình Thắng| 11/09/2014 16:19

Trong chuyến khảo sát, xác định các sinh cảnh và hệ sinh thái chính tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung vào tháng 8, Thạc sĩ Hoàng Thanh Sơn thuộc Viện Nghiên cứu Lâm Sinh - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Ban quản lý Dự án Bảo tồn loài - Chi cục Kiểm lâm đã phát hiện thấy Quần thể cổ thực vật Sồi ba cạnh quý hiếm tại tiểu khu 1331 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.

ADQuảng cáo

Quần thể cổ thực vật Sồi ba cạnh phân bố ở đai độ cao từ 1.100m đến 1.250m, với khoảng 200 cá thể, chiều cao trung bình khoảng 18 đến 20m, đường kính ở vị trí ngang ngực từ 60 đến 120cm, cá biệt có một số cây có đường kính lên đến 2m.

Lá và quả loài cổ thực vật Sồi ba cạnh - Ảnh Hoàng Thanh Sơn

Loài cổ thực vật này có tên khoa học là Trigonobalanus verticillata Forman, thuộc chi Trigonobalanus - Chi thực vật có mức độ tiến hóa thấp nhất trong các chi của họ Dẻ (Fagaceae). Loài này thường mọc hỗn giao với các loài Dẻ gai Trung Quốc (Castanopsis chinensis), Thông tre lá dài (Podocarpus nerrifolius), Trâm vỏ đỏ (Syzygium zeylanicum), Dẻ quả vát (Lithocarpus truncatus) và Thích hoa đỏ (Acer erythranthum), …

ADQuảng cáo

Sồi ba cạnh có đặc điểm về hình thái lá, hoa và quả rất khác biệt so với các loài trong cùng họ Dẻ (Fagaceae) - Hạt có hình 3 cạnh rất độc đáo, việc tiếp cận của các nhà khoa học đối với loài cổ thực vật này là rất hãn hữu và hiện nay đang được giới khoa học rất quan tâm.

Trên thế giới, Sồi ba cạnh mới chỉ phát hiện được ở Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Ở Việt Nam, Sồi ba cạnh được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1999 tại Kon Hà Nừng, năm 2002 tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (Gia Lai) và năm 2007 tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng). Loài cổ thực vật này hiện được xếp hạng ở mức Nguy cấp (EN) trong Sách đỏ Việt Nam.

Việc phát hiện thấy Quần thể cổ thực vật Sồi ba cạnh tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định rõ hơn về tính đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.

Để Bảo tồn và phát triển được loài cổ thực vật này, các cơ quan chuyên môn của tỉnh, đặc biệt là Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã và đang tiếp tục điều tra, đánh giá và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để quản lý, bảo tồn hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện Quần thể cổ thực vật Sồi ba cạnh quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO