Thơm ngon na rừng ở Đắk Glong

H’Mai| 29/10/2021 09:05

Từ tháng 6 đến hết tháng 10 (âm lịch) hàng năm, đồng bào Mông, Dao, Tày… trên địa bàn huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông lại rủ nhau vào rừng hái “lộc” là quả na rừng. Lặn lội trong những cánh rừng rậm, trên những thân cây vươn cao, người săn “lộc” nhanh tay nhanh chân hái những quả na rừng chín đỏ…

ADQuảng cáo

Người dân xã Quảng Sơn vui mừng khi hái được nhiều na rừng.

Na rừng là loại thảo dược quý, thường được nhìn thấy trong những cánh rừng sâu, có độ cao trung bình từ 500-1.000m. Cây thuộc dạng thân dây leo cho nên còn có tên gọi là na dây. Dây na có thân mảnh, nhánh mọc trườn khắp nơi. Trên thân được bao phủ bởi lớp lông mịn. Hoa mọc đơn ở các nách lá, màu đỏ thẫm. Quả na rừng có hình dáng tương tự nhưng kích thước to gấp đôi hoặc gấp ba lần quả na ta. Khi chín, thịt của quả na rừng có màu hồng, múi rất to, dễ tách thành từng múi nhỏ, có mùi thơm nhẹ. Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, na rừng tập trung nhiều nhất ở những cánh rừng thuộc xã Quảng Sơn (Đắk Glong).

Không chỉ bán quả tươi, na rừng còn được ngâm rượu bán lại cho người dân trong và ngoài tỉnh

Anh Giàng A Vàng, dân tộc Mông ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) cho biết: “Loại quả này không ra quanh năm mà chỉ bắt đầu kết trái từ tháng 4 đến hết tháng 10 âm lịch hàng năm. Vào độ tháng 6, những quả na rừng bắt đầu chín đỏ, mùi hương đặc trưng bay len lỏi khắp cả cánh rừng. Không những thu hút từng đàn sóc, thú rừng đang độ tuổi sinh sản đến tìm ăn, na rừng cũng là món ăn yêu thích của đồng bào”.

Na rừng trên những cánh rừng ở Quảng Sơn cho quả to, đẹp

ADQuảng cáo

Trong những cánh rừng rậm rạp, ít nắng, dây na rừng bám vào các cây lớn, vươn mình trải dài theo tán cây cổ nên thường rất sai quả. Cũng chính vì vậy, việc hái na rừng khá vất vả, được những người đàn ông Mông, Dao, Tày… với nhiều kinh nghiệm đi rừng, kỹ năng leo cây hái quả thực hiện. Những quả na rừng khi chín trọng lượng từ 0,5 - 2,5 kg, có quả nặng đến 3 kg. Sau một ngày lặn lội trong rừng, mỗi người cũng được vài chục kí na rừng.

Bên trong quả na rừng chia thành từng múi dễ bóc tách

Ngoài việc để dùng trong gia đình, người đi hái na sẽ bán lại cho những hộ chuyên thu mua na rừng để chế biến dược liệu và bán cho người dân. Ông Dương Văn Hoan, thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) chia sẻ: “Tôi thu mua na rừng ở đây đã hơn 10 năm nay. Ngoài việc bán quả tươi lại cho người dân, tôi còn ngâm na tươi với rượu thành từng bình để bán. Na tươi đem rửa sạch, để ráo nước và tách từng múi nhỏ rất dễ dàng, cho vào bình thủy tinh, sành hoặc sứ rồi cho rượu vào, đậy kín nắp, để ở nơi có nhiệt độ ổn định. Sau 1 tháng là có thể sử dụng vì na tươi rất dễ ra chất, mỗi ngày 2 – 3 ly nhỏ sau bữa ăn rất tốt cho tiêu hóa, xương khớp… Cứ khoảng 10 kg na tươi sẽ phơi được 1 kg na khô, bán với giá 100.000 đồng/kg”...

Na rừng có hai loại là na trắng và na đỏ. Khi còn xanh, phần vỏ quả bên ngoài bao phủ màu xanh. Na trắng khi chín có màu vàng nhạt hoặc khe múi hơi đỏ. Trong khi na đỏ toàn thân màu đỏ tươi, mùi nhựa thơm rất đặc trưng. Phần ruột của hai loại na này đều có màu trắng. Thông thường, na đỏ có giá trị và được ưa chuộng hơn na trắng. Quả na rừng khi chín ăn có vị ngọt nhẹ, cắn thêm một phần vỏ múi mềm sẽ có vị thơm đặc trưng của quả. Ðặc biệt, quả chín ngâm rượu hoặc ngâm đường phèn làm siro uống.

Theo Đông y, cả lá, thân rễ và quả na rừng đều có tác dụng tốt với sức khỏe như giúp an thần dễ ngủ, tăng cường sinh lý cho phái mạnh, điều trị viêm ruột, viêm loét dạ dày viêm ruột, phong thấp đau xương, đau bụng trước khi hành kinh… Vì là một loại thảo dược khá quý nên quả na rừng chín cây được nhiều người ưa chuộng, tìm mua.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thơm ngon na rừng ở Đắk Glong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO