Chống thất thu trong lĩnh vực kinh doanh phân bón: Đẩy mạnh điều tra doanh thu, ấn định thuế

Đức Hoàn - N.L| 20/10/2014 10:47

Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực phân bón xuất hàng không có hóa đơn, không thực hiện kê khai thuế, làm thất thu ngân sách... thời gian qua, ngành Thuế tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp chống thất thu, trong đó, phải kể đến công tác điều tra doanh thu, ấn định thuế. Bước đầu, giải pháp này đã mang lại hiệu quả, từng bước xác định đúng nguồn thu, cũng như hạn chế số đơn vị trốn thuế.

ADQuảng cáo

Thất thu thuế lớn

Theo ước tính của ngành chức năng, hàng năm, nhu cầu sử dụng phân bón của người dân trên địa bàn phục vụ cho cây trồng là hơn 175.000 tấn. Tuy nhiên, theo số liệu tại cơ quan thuế các địa phương thì số lượng phân bón tiêu thụ do người nộp thuế kê khai chỉ chiếm khoảng 60% so với nhu cầu thực tế.

Nhiều hộ kinh doanh phân bón trên địa bàn vẫn chưa chấp hành đúng pháp luật thuế. Ảnh: N.L

Toàn tỉnh hiện có 321 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh phân bón; trong đó, có 54 đơn vị nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, 267 đơn vị nộp thuế theo phương pháp ấn định. Thời gian qua, mặc dù, ngành Thuế tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý thu theo quy định, nhưng vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh phân bón cố tính không thực hiện hoặc chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về pháp luật thuế, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Theo ông Ngô Văn Ngữ, Trưởng Đoàn kiểm tra chống thất thu lĩnh vực phân bón (Cục Thuế tỉnh) cho biết: “Hầu hết các cơ sở kinh doanh đều kê khai thiếu doanh thu, bỏ ngoài sổ sách kế toán, không kê khai hóa đơn đầu vào, không xuất hóa đơn khi bán hàng. Các doanh nghiệp trên địa bàn mua phân bón từ ngoài tỉnh, khi vận chuyển về thường xuất bán thẳng cho các đại lý, cơ sở kinh doanh khác mà không nhập kho. Có trường hợp, doanh nghiệp bán cho người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không yêu cầu lấy hóa đơn. Để hợp thức hóa, các đơn vị này dùng “chiêu” lập hóa đơn hoặc hóa đơn bán lẻ để ghi giá bán thấp hơn giá thực tế thanh toán. Riêng những trường hợp bán trả chậm hoặc đã giao hàng cho nông dân nhưng chưa đến thời hạn thanh toán, các cơ sở kinh doanh phân bón dễ dàng  “bỏ qua” việc lập hóa đơn, kê khai thuế. Qua kiểm tra, cũng như dựa trên kết quả đối chiếu xác minh, hầu hết các cơ sở cơ kinh doanh có doanh thu bán hàng thực tế chênh lệch rất nhiều so với số đã kê khai tại cơ quan thuế các cấp. Trong đó, nhiều cơ sở kinh doanh tại các địa phương như Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Glong có doanh thu bán hàng thực tế chênh lệch với con số kê khai lên đến hàng chục lần”.  

Đẩy mạnh điều tra doanh thu

ADQuảng cáo

Để đẩy mạnh chống thất thu trong lĩnh vực này, Cục Thuế tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra nhằm xác định doanh số ấn định đối với ngành kinh doanh phân bón trên địa bàn. Sau khi đi vào hoạt động, Đoàn đã tiến hành xác minh thông tin từ 59 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn các huyện, thị xã và 16 doanh nghiệp, đại lý cung ứng phân bón trong, ngoài tỉnh.

Qua kiểm tra, bước đầu cho thấy, nguồn phân bón tiêu thụ trên địa bàn tỉnh chủ yếu được cung cấp từ ngoài tỉnh thông qua các đại lý hoặc nhà phân phối. Người bán trực tiếp là các đại lý, nhà phân phối, các doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp ấn định.

Còn người mua phân bón chủ yếu là người dân để sử dụng cho hoạt động trồng trọt. Điều đáng nói là hầu hết người nông dân khi mua mặt hàng này tại các đại lý, cơ sở kinh doanh đều không có hóa đơn. Chưa kể, việc thanh toán thường là trả chậm (từ đầu mùa mưa đến vụ thu hoạch) và thanh toán bằng tiền mặt.

Theo ông Vũ Văn Thiện, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh thì qua kết quả xác minh từ đoàn kiểm tra trên lĩnh vực kinh doanh phân bón, ngành Thuế đã tổ chức hội nghị để đánh giá kết quả, từ đó, triển khai các giải pháp phù hợp trước khi ấn định và duyệt bộ thuế năm 2015 trên lĩnh vực kinh doanh phân bón.

Trên cơ sở đó, Cục Thuế tỉnh sẽ có kế hoạch báo cáo UBND tỉnh và chỉ đạo cơ quan thuế các huyện, thị xã phối phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức điều tra lại doanh số của tất cả các cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn, qua đó, ấn định thuế sát với thực tế, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, cũng như tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh.

Còn về phía chi cục thuế các huyện, thị xã cần tham mưu cho chủ tịch UBND các cấp chỉ đạo các ngành liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn, hội nông dân, hợp tác xã… cùng phối hợp trong công tác điều tra doanh thu, xác định các trường hợp bán phân bón cho người nông dân.

Qua đó, từng địa phương sẽ giải thích, tuyên truyền, vận động, công khai danh sách ấn định thuế để toàn thể quần chúng nhân dân và các tổ chức kinh doanh phân bón trên địa bàn hiểu, thực hiện đúng các quy định của pháp luật thuế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống thất thu trong lĩnh vực kinh doanh phân bón: Đẩy mạnh điều tra doanh thu, ấn định thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO