Giảm nợ đọng thuế: Vẫn đang là... "bài toán" khó

Lương Nguyên| 25/07/2017 09:58

Mặc dù đã có nhiều giải pháp trong thu hồi nợ đọng thuế được ngành chức năng triển khai, nhưng tỷ lệ nợ thuế trên địa bàn không giảm đi mà lại đang tăng đều theo từng năm.

ADQuảng cáo

Doanh nghiệp “lờn”…cam kết

Thời gian qua, việc tổ chức cho các đơn vị ký cam kết trả nợ dần theo từng tháng được ngành Thuế tỉnh xem như một trong những giải pháp để đôn đốc, nâng cao hiệu quả thu hồi nợ đọng thuế. Việc ký cam kết này vừa mang tính “răn đe”, vừa động viên doanh nghiệp trả dần nợ thuế.

Đối với cơ quan thuế là vậy, ngược lại, đối với doanh nghiệp, ký cam kết lại được xem là giải pháp để “câu giờ”. Bởi vì, có những doanh nghiệp nợ thuế lên đến hàng tỷ đồng và đã ký cam kết rất nhiều lần, nhưng rồi kết quả trả nợ tiền thuế vẫn là "con số không".

Cán bộ thuế xuống trực tiếp trụ sở doanh nghiệp để đốc thúc đơn vị thực hiện nghĩa vụ thuế

Thị xã Gia Nghĩa là một trong những địa bàn có nhiều doanh nghiệp dẫn đầu về nợ thuế. Nằm trong danh sách “đen” này phải kể đến Công ty Cổ phần Thống Nhất 508, Chi nhánh Tây Nguyên. Đến nay, tổng nợ thuế mà đơn vị này đang nợ ngân sách nhà nước là hơn 5,3 tỷ đồng. Để động viên đơn vị trả dần nợ thuế, cơ quan thuế đã áp dụng nhiều hình thức như: xuống trực tiếp doanh nghiệp, gặp tại trụ sở cơ quan thuế, gọi điện… nhưng không có kết quả.

Vừa qua, cán bộ thuế Gia Nghĩa đã phối hợp với Phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ Thuế (Cục Thuế tỉnh) đến làm việc, nhưng rồi cũng chỉ dừng lại ở việc ký cam kết trả nợ. Được biết, từ đầu năm 2017 đến nay, đây là lần thứ 2 doanh nghiệp này ký cam kết, với nội dung sẽ trả 1 tháng 1 tỷ đồng tiền nợ thuế. Tuy nhiên, ký cam kết xong, đến hạn trả nợ, đơn vị lại không có động tĩnh gì.

Còn đối với trường hợp Công ty Lan Anh, hiện đang nợ đến 7,5 tỷ đồng tiền thuế. Mặc dù đơn vị đã thực hiện ký cam kết nhiều lần, nhưng nợ thuế không giảm đi, mà ngày càng "phình" lớn vì khoản tiền bị phạt nộp chậm.

Ông Nguyễn Quốc Doanh, Chi cục Phó Chi cục Thuế Gia Nghĩa cho biết: “Doanh nghiệp giờ đã “lờn” với việc ký cam kết. Khi cán bộ thuế xuống đôn đốc, nhắc nhở thì ký đại cho xong, còn trả nợ hay không lại là vấn đề của doanh nghiệp”. Được biết, trên địa bàn thị xã, hiện tại, trong tổng số hơn 40 tỷ đồng nợ thuế khó thu thì có đến 17 doanh nghiệp đang nợ thuế, với số tiền hơn 23 tỷ đồng".

ADQuảng cáo

Nợ khó thu “phình to”

Qua thống kê của Cục Thuế tỉnh, tính đến hết tháng 6/2017, trong tổng số gần 370 tỷ đồng nợ thuế, số nợ khó thu đang nằm ở con số hơn 260 tỷ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực đất đai là hơn 93 tỷ đồng, với hơn 50 đơn vị còn nợ thuế. Con số này tăng khá cao so với thời điểm cuối năm 2016.

Theo ông Hồ Đức Thắng, Trưởng phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Cục thuế tỉnh) thì có rất nhiều nguyên nhân khiến nợ khó thu ngày càng “phình ra”. Về cơ chế, chính sách, việc cưỡng chế nợ thuế phải thực hiện bắt buộc thứ tự 7 bước theo luật Quản lý Thuế, khiến quá trình thu hồi nợ thuế gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp đã giải thể, phá sản còn nợ thuế, nhưng chưa có cơ chế xử lý xóa nợ.  Một số đơn vị có ý thức trả nợ nhưng rồi nhanh chóng phát sinh nợ mới, vì hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Khi quá thời hạn, doanh nghiệp chưa chủ động nộp thuế vào ngân sách, cơ quan thuế sẽ gửi thông báo nhắc nhở. Quá thời hạn 30 ngày, mà vẫn không đóng thuế, doanh nghiệp lại phải chịu phạt nộp chậm với lãi suất 0,05%/ngày. Số nợ thuế vốn có đã cao, cộng với số tiền phạt nộp chậm cứ “đội” lên mỗi ngày đã làm số nợ khó thu “tăng tốc” không có điểm dừng.

Doanh nghiệp ký vào Bản cam kết nộp thuế nhưng lại không thực hiện đúng quy định

Thiếu giải pháp hiệu quả

Theo Cục Thuế tỉnh, hiện tại, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu nợ thuế còn gặp nhiều khó khăn và đạt hiệu quả thấp. Bởi vì, hầu hết doanh nghiệp nợ thuế trên 90 ngày đều thực sự khó khăn về tài chính, không có khả năng thanh toán, trong khi tài sản đều đã thế chấp vào ngân hàng để  vay vốn kinh doanh. Còn đối với cơ quan thuế, quá trình thu thập, xác minh tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp cũng mất rất nhiều thời gian, vì có những đơn vị mở nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau. Một số trường hợp, doanh nghiệp cố tình chây ỳ, không chấp hành việc cung cấp các tài khoản có dòng tiền, mà chỉ đưa các tài khoản “rỗng” nên cơ quan chức năng cũng không thể thực hiện cưỡng chế.

Ông Vũ Văn Thiện, Cục phó Cục Thuế tỉnh phân tích: “Việc áp dụng các biện pháp thu nợ thuế cũng phải thấu tình đạt lý. Bởi vì, cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Một khi uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp bị tác động, bản thân các đơn vị đó rất khó tìm được đối tác, từ đó, khó tiêu thụ hàng hóa nên khả năng trả nợ thuế càng khó hơn. Trong khi trên địa bàn tỉnh, số lượng doanh nghiệp thuộc diện bị áp dụng biện pháp này rất nhiều”.

Thực tế cũng cho thấy, không chỉ khó khăn trong khi thực hiện giải pháp trên, mà cả việc cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên cũng có quá nhiều “rào cản”. Bởi vì, hầu hết tài sản của doanh nghiệp đã thế chấp ngân hàng nên không thể cưỡng chế… Đây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao những năm qua, mặc dù ngành Thuế đã triển khai hàng loạt giải pháp, nhưng nợ thuế vẫn tăng qua từng năm. Từ đây, mục tiêu giảm nợ thuế xuống dưới 5% tổng số thu theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế vẫn đang là “bài toán” khó.

Tính đến tháng 6/2017, ngành Thuế tỉnh đã ban hành 244 quyết định cưỡng chế, thu hồi nợ đọng thuế với tổng số tiền quyết định là gần 75 tỷ đồng. Trong đó, 52 quyết định thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, với số tiền gần 46 tỷ đồng; 185 quyết định trích tiền từ tài khoản ngân hàng, với tổng số tiền gần 27 tỷ đồng; 7 quyết định thu hồi giấy phép hoạt động, với số tiền gần 2 tỷ đồng.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm nợ đọng thuế: Vẫn đang là... "bài toán" khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO