Tập trung thu nợ đọng thuế

Nguyễn Lương| 11/06/2018 09:49

Thông báo bằng văn bản, xuống trực tiếp trụ sở của doanh nghiệp, hộ kinh doanh để vận động, đôn đốc, cương quyết cưỡng chế đối với những trường hợp cố tình chây ỳ… là những giải pháp đã, đang được ngành Thuế tỉnh triển khai, nhằm phấn đấu đến cuối năm 2018, giảm số nợ đọng thuế xuống mức thấp nhất có thể.

ADQuảng cáo

Quyết liệt ở nhiều địa phương

Từ đầu năm đến nay, số nợ đọng thuế tại Chi cục thuế Chư Jút giảm đáng kể. Đến hết tháng 5/2018, số nợ thuế tại đơn vị còn gần 21 tỷ đồng, giảm 2,8 tỷ đồng so với đầu năm 2018. Một trong những giải pháp mà cơ quan thuế tích cực triển khai là thường xuyên xuống trụ sở doanh nghiệp, hộ kinh doanh để vận động, đôn đốc việc nộp thuế đúng quy định.

Cán bộ thuế Chi cục thuế Chư Jút tìm hiểu hoạt động sản xuất, kinh doanh để kịp thời phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc  cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng Đội Kiểm tra và Quản lý nợ, Chi cục thuế Chư Jút cho biết: “Hằng tháng, chúng tôi lập kế hoạch, danh sách doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn nợ thuế để tiến hành xuống tận trụ sở vận động các hộ nộp thuế, cũng như thực hiện thanh tra, kiểm tra đúng quy định.

Tại buổi gặp gỡ, ngoài việc vận động nộp thuế, cán bộ thuế và doanh nghiệp còn trao đổi nhiều thông tin, chia sẻ những vướng mắc cho doanh nghiệp. Cách tuyên truyền, đốc thúc người nộp thuế phải thấu tình đạt lý. Vừa làm sao để doanh nghiệp, hộ cá thể nộp thuế, nợ thuế đúng thời gian, vừa không làm ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động kinh doanh của họ”. Với cách làm này của cơ quan thuế, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn đã có ý thức chấp hành quy định thuế tốt hơn.

Ông Ngô Quang Trung, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Tuấn Anh, xã Tâm Thắng chia sẻ: “Là một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sẽ không tránh khỏi những thời điểm khó khăn. Vậy nhưng, riêng vấn đề nộp thuế, đơn vị chúng tôi chấp hành rất tốt. Với lại, cơ quan thuế thường xuyên nhắc nhở, vận động kịp thời nên mọi quy định, vướng mắc đều được giải đáp tận tình. Bình quân mỗi năm, chúng tôi nộp vào ngân sách nhà nước trên 300 triệu đồng, nhưng chưa khi nào nộp chậm so với thời gian quy định”.

Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Tuấn Anh, xã Tâm Thắng cung cấp đầy đủ sổ sách, hóa đơn liên quan đến hoạt động mua bán cho cán bộ thuế

ADQuảng cáo

Theo ông Nguyễn Văn Huấn, Chi cục trưởng Chi cục thuế Chư Jút thì đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện thành lập đoàn đôn đốc thu nợ, cưỡng chế nợ đọng để phối hợp với UBND các xã, thị trấn xuống tận địa bàn tuyên truyền, vận động, đôn đốc các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chấp hành tốt nghĩa vụ thuế. Qua đó, cơ quan thuế sàng lọc ra những trường hợp dây dưa nợ đọng thuế kéo dài để hoàn chỉnh hồ sơ phục vụ cho công tác cưỡng chế nợ thuế. Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với những trường hợp cố tình dây dưa nợ đọng thuế kéo dài cũng được đơn vị kiên quyết thực hiện.  

Tương tự, tại huyện Đắk R'lấp, công tác thu nợ đọng thuế cũng được đơn vị thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm. Ông Nguyễn Quốc Phong, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đắk R’lấp cho biết: Hằng tháng, Chi cục tiến hành phân loại nợ, đối chiếu từng trường hợp nợ thuế cụ thể để triển khai tuyên truyền, vận động, cưỡng chế phù hợp. Đến hết tháng 3, tổng nợ thuế có khả năng thu tại địa phương còn hơn 9 tỷ đồng, giảm gần 3 tỷ đồng so với đầu năm 2018.

Nhưng nợ thuế còn ở mức cao

Theo Cục Thuế tỉnh, tính đến hết tháng 5/2018, toàn tỉnh còn hơn 360 tỷ đồng nợ thuế, giảm gần 3% so với thời điểm cuối năm 2017 và giảm 21% so với cùng kỳ. Trong đó, các khoản nợ liên quan đến thuế, phí là hơn 215 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58,66% tổng số nợ; nợ liên quan về đất là gần 28 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,54%; tiền phạt và tiền chậm nộp là gần 133 tỷ đồng, chiếm 33,37%, còn lại là các khoản nợ khác ngành thuế không quản lý. Đây là số nợ còn ở mức khá cao so với mục tiêu giảm thiểu nợ đọng thuế theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế.

Để giảm số nợ thuế xuống mức 5% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN), bên cạnh việc giao chỉ tiêu thu nợ thuế chi tiết cho các cục Thuế, Tổng cục Thuế đã thông báo danh sách các doanh nghiệp nợ thuế từ 5 triệu đồng trở lên trên địa bàn quản lý tại thời điểm 31/12/2017.

Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế phân công, giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm đôn đốc, cưỡng chế, công khai thông tin nợ thuế để thu hồi nợ đọng thuế vào NSNN cụ thể cho từng đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Thuế đến từng cán bộ lãnh đạo, từng công chức chịu trách nhiệm thực hiện đối với từng doanh nghiệp.

Ngoài sự chủ động trong thực hiện các giải pháp thu hồi nợ thuế, cơ quan thuế các cấp cần chủ động tham mưu với UBND cùng cấp chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với cơ quan thuế duy trì các tổ liên ngành thu hồi nợ đọng. Cục Thuế tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, cơ quan kế hoạch đầu tư... thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN.

Theo ông Ngô Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số nợ thuế còn cao. Về cơ chế, chính sách, việc cưỡng chế nợ thuế phải thực hiện bắt buộc thứ tự 7 bước theo luật Quản lý Thuế, khiến quá trình thu hồi nợ thuế gặp nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp đã giải thể, phá sản còn nợ thuế, nhưng chưa có cơ chế xử lý xóa nợ.  Một số đơn vị có ý thức trả nợ nhưng rồi nhanh chóng phát sinh nợ mới, vì hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Hiện tại, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu nợ thuế còn gặp nhiều khó khăn và đạt hiệu quả thấp. Bởi vì, hầu hết doanh nghiệp nợ thuế trên 90 ngày đều thực sự khó khăn về tài chính, không có khả năng thanh toán, trong khi tài sản đều đã thế chấp vào ngân hàng để vay vốn kinh doanh. Còn đối với cơ quan thuế, quá trình thu thập, xác minh tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp cũng mất rất nhiều thời gian, vì có những đơn vị mở nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau. Một số trường hợp, doanh nghiệp cố tình chây ì, không chấp hành việc cung cấp các tài khoản có dòng tiền, mà chỉ đưa các tài khoản “rỗng” nên cơ quan chức năng cũng không thể thực hiện cưỡng chế. Chưa hết, việc cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên cũng có quá nhiều “rào cản”. Bởi vì, hầu hết tài sản của doanh nghiệp đã thế chấp ngân hàng nên không thể cưỡng chế.  

Hiện tại, ngành Thuế đang thành lập các tổ đôn đốc và xử lý nợ đọng thuế để áp dụng đồng bộ các biện pháp thu nợ. Công tác thanh tra, kiểm tra bằng việc đẩy mạnh giám sát hồ sơ khai thuế, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phân tích, xác định lĩnh vực, doanh nghiệp có rủi ro cao để tập trung thanh tra, kiểm tra chống thất thu, gian lận thuế… cũng được ngành Thuế tích cực đổi mới. Đơn vị còn thực hiện nghiêm việc phạt nộp chậm tiền thuế đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo đúng quy định, để hạn chế gia tăng các khoản nợ mới. Việc tăng cường rà soát nguồn thu, thực hiện giám sát kê khai nộp thuế của các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, khai thác tài nguyên khoáng sản được cơ quan thuế đẩy mạnh, nhằm kịp thời thu đúng, thu đủ các khoản thuế vào ngân sách nhà nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung thu nợ đọng thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO