Lễ kỷ niệm 20 năm hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ

Nguồn SGGP| 18/10/2013 09:00

Sáng 17/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và hơn 300 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương, các vị đại sứ, đại diện nhiều tổ chức quốc tế đã tham dự lễ kỷ niệm 20 năm hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ.

ADQuảng cáo

Mở rộng sự tham gia của các chủ thể công và tư

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao và bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến chính phủ các nước tài trợ, các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ nước ngoài đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ mạnh mẽ và hỗ trợ ODA to lớn.

Thủ tướng tin tưởng thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác quý báu này; đồng thời cam kết, Việt Nam cũng sẽ tích cực đóng góp phần mình để hỗ trợ các quốc gia, các đối tác trong cộng đồng quốc tế cùng phát triển, cùng thịnh vượng. “Đối với chúng tôi, sự hỗ trợ của các bạn không chỉ là những đồng vốn quý báu lúc Việt Nam còn nghèo, những hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách phát triển khi Việt Nam còn rất khó khăn trong chuyển đổi nền kinh tế mà còn mang đậm tình hữu nghị, tính nhân văn, tinh thần cộng đồng tương trợ lẫn nhau...”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, Chính phủ Việt Nam chủ trương trước hết phát huy tối đa nội lực, mở rộng sự tham gia của các chủ thể công và tư cho phát triển, đồng thời thực hiện chính sách chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện để tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài. Trong đó, nguồn lực ODA luôn giữ vai trò quan trọng để hỗ trợ thực hiện các ưu tiên phát triển, các đột phá chiến lược, bao gồm: các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình và dự án về phát triển hạ tầng cơ sở, xây dựng chính sách và phát triển thể chế, tăng cường năng lực, chăm sóc sức khỏe cho người dân, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ.
ADQuảng cáo

Tổng nguồn vốn ODA giải ngân đạt 37,59 tỷ USD

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cách đây 20 năm, ngày 8/11/1993, hội nghị bàn tròn về ODA dành cho Việt Nam đã được tổ chức tại Paris, Pháp. Sự kiện quan trọng này chính thức đánh dấu sự mở đầu mối quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam trên đường đổi mới với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế.

Từ đó đến nay, các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam lên tới 80 tỷ USD trong giai đoạn 1993 - 2012. Tổng vốn ODA ký kết trong các điều ước quốc tế cụ thể từ năm 1993 đến 2012 đạt trên 58,4 tỷ USD, chiếm 71,69% tổng vốn ODA cam kết, trong đó vốn vay ưu đãi đạt 51,6 tỷ USD, vốn ODA không hoàn lại đạt 6,8 tỷ USD. Tổng nguồn vốn ODA giải ngân đạt 37,59 tỷ USD. Mặc dù nguồn vốn ODA chỉ chiếm khoảng 4% GDP; song lại chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước (bình quân chiếm khoảng 15% - 17%). Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam trong giai đoạn 1993 - 2012 với khoảng 19,81 tỷ USD. Pháp đứng thứ hai với 3,91 tỷ USD. Hàn Quốc đứng thứ ba với 2,33 tỷ USD. Trong khi đó, WB đứng đầu nhóm 6 ngân hàng với khoảng 20,1 tỷ USD. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đứng thứ hai với 14,23 tỷ USD vốn ODA cam kết.

Ưu tiên tăng trưởng xanh

Phát biểu tại buổi lễ, bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhận định: Xu thế nguồn vốn ODA giảm dần và vốn vay kém ưu đãi tăng lên là nét đặc trưng của sự thay đổi trong chính sách viện trợ. Để bù đắp cho sự sụt giảm viện trợ không hoàn lại cần thiết phải có chính sách đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư theo hướng xã hội hóa, nhất là có chính sách thỏa đáng thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước, huy động sự tham gia và đóng góp của các tổ chức xã hội nhân dân và các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước cho sự phát triển y tế, giáo dục và đào tạo...

Bà Victoria Kwa Kwa cũng cho biết thêm, chiến lược tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu sẽ là những ưu tiên đối với các nhà tài trợ trong thời gian tới và khuyến nghị Chính phủ Việt Nam chú trọng những lĩnh vực này. “Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam vẫn còn khoảng 13 tỷ USD vốn ODA đã cam kết nhưng chưa giải ngân. Dòng chảy ODA sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong 3 - 4 năm nữa, tạo cho Việt Nam khoảng thời gian cần thiết để chuyển đổi thành công sang một mô hình khác không phải ODA truyền thống”, bà Victoria Kwa Kwa phân tích.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ kỷ niệm 20 năm hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO