Đoàn khảo sát tình hình triển khai thực Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy tại Chư Jút: Địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đến người dân

Nguyễn Lương| 27/05/2014 17:37

Ngày 27/5, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Trần Phương, UVTVTU, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy dẫn đầu đã tổ chức khảo sát tình hình triển khai thực Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 7/4/2011 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 tại huyện Chư Jút.

Buổi sáng cùng này, Đoàn đã khảo sát thực tế mô hình chăn nuôi bò thịt của gia đình ông Lê Thống Nhất ở xã Tâm Thắng, trang trại nuôi gà Phúc Thành (thị trấn Ea T’ling), dự án sử dụng thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp của Công ty MJ Việt Nam.

Đồng chí Trần Phương phát biểu tại buổi làm việc

Buổi chiều, Đoàn đã làm việc với lãnh đạo huyện về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết tại địa phương. Theo báo cáo thì sau 3 năm triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, huyện đã phối hợp với các cấp, ngành, doanh nghiệp từng bước ứng dụng nhiều máy móc, thiết bị có công nghệ hiện đại vào sản xuất trên diện tích 33 ha tại cánh đồng thị trấn Ea T’ling; xây dựng hiệu quả nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tại xã Tâm Thắng; triển khai nhân rộng mô hình đậu nành mới DT 26 tại xã Đắk D’rông; tái canh cây cà phê vối; thực hiện cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò  thịt…

Việc đẩy mạnh vận động bà con sử dụng nhiều giống mới, các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ, cũng như tổ chức tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân luôn được địa phương rất mực chú trọng. Nhờ vậy, giá trị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp hàng năm đều từng bước được nâng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU tại địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, về kinh phí đầu tư cho ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao rất lớn, nhưng khả năng của huyện còn hạn chế nên khó phát triển để nhân rộng; đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên sâu về lĩnh vực này chưa được đào tạo, tập huấn nhiều; sự phối hợp, liên kết giữ 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) còn nhiều bất cập về chính sách, chưa có sự ràng buộc về pháp lý nên chưa áp dụng được nhiều trong thực  tiễn sản xuất.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Phương đã ghi nhận nỗ lực mà địa phương đã đạt được trong quá trình triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị sản xuất cho người dân, ngoài những yếu tố thiết yếu khác thì địa phương cần phải chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền. Công tác vận động phải mềm dẻo, hạn chế tuyên truyền theo kiểu máy móc, nhằm phổ biến được mục tiêu của nghị quyết đến từng người dân.

Quan trọng nhất, thông qua nhiều mô hình đã triển khai trong thực tiễn, địa phương phải giúp nông dân học được cách làm, cách nghĩ, cách chuyển đổi, từ đó, thay đổi tập quán canh tác, nâng cao giá trị sản xuất.  Ngoài ra, địa phương cần xác định chiến lược thu hút các nhà đầu tư vào địa phương để nhân rộng thêm nhiều mô hình áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn khảo sát tình hình triển khai thực Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy tại Chư Jút: Địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đến người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO