Tập trung tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các công trình vệ sinh, nước sạch nông thôn

Lê Dung| 05/08/2018 16:35

Ban chỉ đạo Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” tỉnh Đắk Nông vừa tổ chức họp bàn giải pháp xử lý và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình phát biểu kết luận cuộc họp

Theo đó, Chương trình được chính thức triển khai từ năm 2015, với 3 hợp phần chính, gồm: Cấp nước nông thôn; vệ sinh nông thôn và nâng cao năng lực, truyền thông, kiểm tra, giám sát và đánh giá.

Theo kế hoạch, trong năm 2017, số vốn sự nghiệp được giao triển khai Chương trình là 2,05 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm mới giải ngân được hơn 1,316 tỷ đồng, đạt 64,2% kế hoạch. Trong đó, ở Hợp phần Cấp nước nông thôn, năm 2017 dự kiến sẽ triển khai 20 công trình, nhưng đến nay UBND các huyện (chủ đầu tư) chủ yếu thực hiện được giai đoạn khảo sát thiết kế, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Lãnh đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường báo cáo về kết quả triển khai thực hiện chương trình trong thời gian qua

Đối với nguồn vốn thuộc Hợp phần Vệ sinh nông thôn, tính đến tháng 1/2018 vẫn chưa được giải ngân. Riêng ở Hợp phần 3, các đơn vị liên quan đã thực hiện xong các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh trong trường học; đồng thời, hoàn thành 25 hoạt động tăng cường năng lực theo kế hoạch…

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày một số khó khăn khi triển khai chương trình trong năm 2018

Trong năm 2018, Chương trình đưa ra mục tiêu sẽ thực hiện được 1.238 đấu nối nước từ nguồn vốn khác, 10 xã đạt chuẩn vệ sinh nông thôn, 28 công trình nước sạch, nhà vệ sinh trường học, 5 công trình nước sạch, nhà vệ sinh y tế và hỗ trợ xây dựng 509 nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình…

Đại diện Ngân hàng Chính sách và xã hội Chi nhánh tỉnh Đắk Nông báo cáo về việc bố trí nguồn vốn cho vay thực hiện các công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn

Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn như: công tác phối hợp giữa các sở, ngành và UBND các huyện trong quá trình triển khai Chương trình chưa tốt; việc phân bổ vốn chậm; nhiều địa phương còn lúng túng, chưa nắm rõ được cách thức triển khai cụ thể; người dân chưa nắm rõ được những lợi ích từ Chương trình để có sự tham gia tích cực, hiệu quả…

Lãnh đạo UBND huyện Đắk Song nêu một số khó khăn trong công tác phối hợp triển khai chương trình

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Trương Thành Tùng nhấn mạnh: Mặc dù Chương trình chính thức triển khai đã lâu, nhưng đến nay do nhiều vấn đề nên kết quả đầu ra không như ý muốn. Vì vậy, trong thời gian tơi, Sở Nông nghiệp & PTNT- đơn vị điều phối của tỉnh cần phân công cán bộ xuống cơ sở, rà soát, kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn lại cho các địa phương về cách thức triển khai sao cho phù hợp, hiệu quả. Sở Y tế và Sở Giáo dục & Đào tạo cần làm việc với UBND các huyện để xác định chính xác công trình nào làm vệ sinh trường học, công trình nào làm vệ sinh nông thôn. Sở Kế hoạch -Đầu tư và Sở Tài chính xem xét và cam kết cấp đủ vốn cho các huyện kịp triển khai. Trước hết, các đơn vị cần bố trí ứng vốn cho các công trình nhà vệ sinh của năm 2017. Đối với kế hoạch triển khai Chương trình năm 2019, chậm nhất là ngày 15/8 phải chốt được số lượng công trình, đầu việc, báo về Sở Nông nghiệp &PTNT. Chủ đầu tư cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc lựa chọn nhà thầu đủ năng lực; đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của Chương trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các công trình vệ sinh, nước sạch nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO