Tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng Công viên địa chất núi lửa khu vực Krông Nô thành Công viên địa chất toàn cầu

Bảo Ngọc| 09/05/2017 17:12

Sáng ngày 9/5, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp với Ban Quản lý Công viên địa chất núi lửa Krông Nô và các sở, ngành liên quan để đánh giá tiến độ thực hiện xây dựng Công viên địa chất núi lửa khu vực Krông Nô thành Công viên địa chất toàn cầu.

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh đề nghị các đơn vị liên quan cần đảm bảo đúng tiến độ xây dựng Công viên địa chất núi lửa Krông Nô thành Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 10/2018.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, góp ý vào Dự thảo Quy chế hoạt động của Ban Quản lý Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Theo đó, Ban Quản lý hoạt động theo chế độ vừa chuyên trách, vừa kiêm nhiệm, trực thuộc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, do Giám đốc Sở làm Giám đốc kiêm nhiệm.

Ban Quản lý có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, UBND tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình Tổ chức Giáo dục-Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Công viên địa chất núi lửa khu vực Krông Nô là Công viên địa chất toàn cầu; triển khai các nhiệm vụ quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của Công viên địa chất núi lửa Krông Nô để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của huyện Krông Nô nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung.

Về tiến độ thực hiện Đề tài "Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông", tính đến ngày 20/4/2017, chủ nhiệm đề tài và các đơn vị liên quan của tỉnh đã khảo sát theo diện hệ thống hang động núi lửa khu vực Buôn Choáh (Krông Nô) và xác định thêm 10 hang động mới làm cơ sở cho việc khảo sát, đánh giá chi tiết; phối hợp với các chuyên gia Mỹ nghiên cứu địa chất-kiến tạo dọc sông Sêrêpốk thuộc địa phận công viên địa chất; phối hợp với các chuyên gia Hội Hang động núi lửa Nhật Bản đo vẽ chi tiết 4 hang động thuộc xã Buôn Choáh; khảo sát thực địa, điều tra tìm kiếm di sản địa chất, di sản địa văn hóa, di chỉ khảo cổ. Trong thời gian tiếp theo, chủ nhiệm đề tài và các ngành liên quan tiếp tục triển khai thực hiện các công việc: Khảo sát thực địa với 3 lĩnh vực địa chất-sinh học-văn hóa cũng như tất cả công tác khác liên quan tới thực địa, công tác tuyên truyền, cắm biển hiệu di sản... Dự kiến, đến hết năm 2017 sẽ hoàn thành việc trình duyệt hồ sơ xếp hạng Công viên địa chất Krông Nô cấp quốc gia.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các sở, ngành, phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh đề nghị các thành viên tham gia kiêm nhiệm trong Ban Quản lý Công viên địa chất núi lửa Krông Nô phát huy tinh thần, trách nhiệm và khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ đó, tham mưu, cho UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương và các nhà khoa học xây dựng thành công Công viên địa chất toàn cầu đối với hệ thống hang động núi lửa khu vực Krông Nô. Ban Quản lý có thể bổ sung thêm các thành viên là đại diện các tổ chức đoàn thể, cán bộ các địa phương có hệ thống hang động núi lửa… để có nhiều thuận lợi trọng việc tham mưu thực hiện các nhiệm vụ và công tác tuyên truyền về xây dựng Công viên địa chất núi lửa.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí đề nghị chủ nhiệm Đề tài "Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng công việc địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông", Ban Quản lý Công viên địa chất núi lửa Krông Nô, các sở, ngành, địa phương cần tích cực, gấp rút thực hiện các khối lượng công việc còn lại để đảm bảo đúng tiến độ xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô thành Công viên địa chất toàn cầu. Trong đó, Ban Quản lý Công viên địa chất núi lửa Krông Nô chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5/2017 như: Trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của Công viên địa chất khu vực Krông Nô giai đoạn 2018-2020; trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết xây dựng hệ thống hang động núi lửa khu vực Krông Nô tại kỳ họp thứ 4 sắp tới; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận Công viên địa chất khu vực Krông Nô là Công viên địa chất cấp tỉnh; đo đạc, xác định chính xác ranh giới của hệ thống hang động núi lửa; xây dựng, thiết kế nội dung website về công viên địa chất; tuyển chọn, sản xuất logo công viên địa chất núi lửa… Ngành Giáo dục đưa nội dung tuyên truyền về công viên địa chất khu vực Krông Nô cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh, trước mắt lồng ghép vào các đợt bồi dưỡng chính trị vào dịp hè năm 2017. Ngành Văn hóa chú trọng lồng ghép các nội dung tuyên truyền về Công viên địa chất vào các hoạt động của mình. Ngành Giao thông-Vận tải tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng hệ thống hạ tầng thiết yếu cho khu vực hang động núi lửa Krông Nô. Ngành Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh về kinh phí tổ chức thực hiện xây dựng Công viên địa chất núi lửa…

Theo kế hoạch, đến tháng 10/2018, UBND tỉnh sẽ hoàn thiện hồ sơ bằng tiếng Anh đệ trình lên UNESCO để công nhận Công viên địa chất núi lửa Krông Nô tham gia vào mạng lưới công viên địa chất toàn cầu.

Video clip:

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng Công viên địa chất núi lửa khu vực Krông Nô thành Công viên địa chất toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO