Tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi

Song Việt| 08/08/2019 10:34

UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành Công văn số 3676/UBND-KTN chỉ đạo tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP).

Theo đó, UBND dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng hướng dẫn, cung cấp tài liệu cho Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện, thị xã về quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học để phổ biến cho các hộ chăn nuôi áp dụng phòng, chống dịch bệnh. Công tác kiểm soát, vận chuyển lợn ra, vào địa bàn tỉnh được tăng cường hơn nữa.

Sở Nông nghiệp và PTNT chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất và cấp phát kịp thời cho các huyện, thị xã triển khai các biện pháp chống dịch bệnh DTLCP; phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các cơ chế chính sách về phòng, chống bệnh DTLCP theo quy định của pháp luật.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để kịp thời xử lý các trường hợp buôn bán các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo quy định.

Sở Giao thông vận tải phối hợp với lực lượng thú y, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Công an tăng cường kiểm tra tại các bến xe, các đầu mối giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc lưu thông qua địa bàn tỉnh.

Công an tỉnh chủ trì ngăn chặn, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc; lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán lợn sống và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc

Đối với UBND các huyện, thị xã tiếp tục tăng cường, tập trung triển khai quyết liệt, cấp bách, đồng bộ các biện pháp phòng, chống, khống chế bệnh DTLCP. Cụ thể, triển khai đồng bộ tháng tổng tiêu độc, khử trùng đợt 3 năm 2019 để tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường tự nhiên, góp phần hạn chế mầm bệnh phát tán, lây lan ra diện rộng.

Tổ chức tập huấn hướng dẫn về áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn để nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch nhằm ngăn chặn sự phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các điểm giết mổ động vật, đặc biệt tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Kiên quyết xử lý nghiêm và dừng hoạt động của các cơ sở không có giấy phép hoặc không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường nhân lực cho việc kiểm soát giết mổ để bảo đảm động vật đưa vào giết mổ phải rõ nguồn gốc được kiểm tra, kiểm dịch; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp nhập gia súc vào cơ sở giết mổ mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu bị bệnh.

Thực hiện nghiêm việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện ra vào cơ sở giết mổ, xử lý triệt để các chất thải, nước thải trong quá trình giết mổ để tránh lây lan mầm bệnh ra môi trường và lây lan sang các cơ sở chăn nuôi khác; giám sát việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi ca giết mổ.

Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vận động người dân làm chuồng nuôi lợn, không nuôi lợn theo hình thả rông. Khi phát hiện lợn mắc bệnh, tổ chức vận động người dân tiêu hủy toàn bộ số lợn thả rông trong toàn bon, buôn để không làm lây lan phát tán mầm bệnh. Áp dụng chính sách hỗ trợ lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh DTLCP theo quy định…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO