Tổng kết các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông: Nhân rộng các mô hình đã phát huy hiệu quả thực tiễn

Hồng Thoan| 05/07/2017 15:58

Sáng ngày 5/7, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC)trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì với gần 200 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân tham dự hội nghị.

Quang  cảnh hội nghị

Theo báo cáo tại hội nghị, NNUDCNC đã góp phần tích cực trong việc gia tăng giá trị sản xuất Ngành Nông nghiệp tỉnh, ngày càng có nhiều mô hình, cách làm mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Toàn tỉnh hiện có 2.383 mô hình về trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, trong đó 1.557 mô hình thuộc các công ty, doanh nghiệp, hợp tác, tổ hợp tác xã, còn lại là của các hộ dân. Trong sản xuất cà phê, các mô hình về sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế hiện đã đạt hơn 29.000 ha. Hiệu quả kinh tế của các mô hình sản xuất này cao hơn so với sản xuất đại trà từ 8,5 triệu đồng- 12 triệu đồng/ ha. Đối với cây hồ tiêu cũng đã có nhiều mô hình về phát triển bền vững nhờ quản lý dịch hại tổng hợp, tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân bón cân đối...

Đối với cây ăn quả, nhiều mô hình về sản xuất sầu riêng, măng cụt, ổi, bơ được nhà nông, doanh nghiệp mạnh dạn áp dụng kỹ thuật công nghệ cao  vào trồng, chăm sóc, bảo quản nên đã, đang đem lại hiệu quả lớn. Ngành chăn nuôi phát triển mạnh nhất với quá trình cải tạo đàn bò thịt, chăn nuôi heo quy mô trang trại....

Nông dân xã Nhân Cơ, Đắk R'lấp nêu khó về vốn khi phát triển NNCNC

Tuy nhiên, tại hội nghị nhiều đại biểu cũng cho rằng mặc dù trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao nhưng vẫn chưa được nhân rộng thành vùng, đại trà theo cánh đồng mẫu lớn nên hiệu quả kinh tế bình quân trên một ha đất canh tác vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với các tỉnh khác trong khu vực cũng như cả nước. Nguyên nhân chính được đưa ra là do cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh chưa đi vào cuộc sống, thiếu  tính đồng bộ; nhu cầu vốn chưa đáp ứng, việc tuyên truyền, vận động chưa đạt hiệu quả và trình độ, năng lực của cán bộ nông nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu….

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Trương Thanh Tùng khẳng định NNUDCNC là xu thế tất yếu mà Đắk Nông phải triển khai. Do đó, các cấp, ngành phải tập trung thực hiện, đẩy mạnh việc tuyên truyền, nhân rộng các mô hình đã phát huy hiệu quả thực tiễn. Trong đó, các địa phương cần chú trọng phát triển những mô hình theo hướng chuỗi giá trị gắn với liên doanh, liên kết giữa nhà nông với nhà nông, nhà nông với doanh nghiệp. Tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư để phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực theo hướng an toàn, vệ sinh thực phẩm, ứng dụng công nghệ cao ở tất cả các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Đồng thời UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành vào cuộc để triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích liên quan.

UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 3 tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai phát triển NNUDCNC 

Nhân dịp này, UBND tỉnh cũng đã trao Bằng khen cho 3 tập thể, 5 cá nhân và Sở Nông nghiệp- PTNT trao Giấy khen cho 4 cá nhân, 1 tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời gian qua.

Video clip:

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng kết các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông: Nhân rộng các mô hình đã phát huy hiệu quả thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO