Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục triển khai toàn diện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Hoàng Hoài| 20/06/2019 16:23

Ngày 20/6, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các các tỉnh, thành trong cả nước để tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) năm 2018, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.

ADQuảng cáo

Video clip:

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Đắk Nông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự.

Năm 2018, công tác PCTT & TKCN từ Trung ương đến địa phương đã được triển khai đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả

ADQuảng cáo

Theo báo cáo, năm 2018, công tác PCTT & TKCN từ Trung ương đến địa phương đã được triển khai đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở và người dân thường xuyên được cung cấp thông tin về dự báo, cảnh báo, hướng dẫn kỹ thuật ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Cơ quan thường trực từ Trung ương đến địa phương thường xuyên tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát diễn biến thời tiết nguy hiểm trong nước, quốc tế và khu vực để chủ động chỉ đạo sớm, bám sát thực tiễn, đặc biệt đối với 2 loại hình bão và lũ.

Vì vậy, thiệt hại do thiên tai gây ra đã giảm nhiều so với trung bình nhiều năm. Trong năm, cả nước xảy ra 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 212 trận dông, lốc sét; 15 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất lớn; 4 đợt rét đậm, rét hại; triều cường vượt mốc lịch sử tại một số tỉnh Nam Bộ...

Thiên tai đã làm 224 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng.  Cả nước đã huy động 362.426 lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, dân quân, tự vệ và các lực lượng khác xử lý trên 1.200 vụ, cứu được 1.560 người, 88 phương tiện; giúp dân chằng chống trên 265.000 nhà; hỗ trợ sơ tán 137.734 hộ/681.265 người trong vùng thiên tai đến nơi an toàn. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 9.461 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách Trung ương và huy động 36 triệu USD từ nguồn ODA; hỗ trợ 5.705 tấn gạo cứu đói, 1.234 tấn hạt giống các loại cùng nhiều hỗ trợ khác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, công tác PCTT & TKCN vẫn còn những hạn chế. Đó là hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật trong lĩnh vực PCTT còn nhiều khoảng trống. Bộ máy tổ chức còn thiếu đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, năng lực chuyên môn của cán bộ làm công tác PCTT còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp huyện, xã. Các chế tài xử lý vi phạm trong PCTT còn thiếu và chưa đủ mạnh. Quy trình tiếp nhận viện trợ, phục vụ cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai còn phức tạp, không kịp thời, giảm hiệu quả sử dụng.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nước trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Do đó, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là mà phải chung tay PCTT & TKCN một cách chủ động kịp thời, hiệu quả hơn. Vì vậy, các cấp, ngành cần tiếp tục triển khai toàn diện công tác PCTT, giảm thiểu thiệt hại về người và của cho người dân trên cơ sở phòng ngừa là chính. Cùng với việc khẩn trương hoàn thiện, kiện toàn bộ máy tổ chức PCTT, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai, TKCN, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi có bất ngờ xảy ra. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời, chính xác hơn; nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của các công trình, nhất là đê điều, hồ đập...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục triển khai toàn diện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO