Cần cơ chế đặc thù cho Tây Nguyên trong quản lý đất đai

Lê Phước| 20/01/2018 14:23

Chiều 19/1, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị về công tác quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại 5 tỉnh Tây Nguyên.

Các đồng chí Trần Hồng Hà, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT; Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quốc hội; Lê Diễn, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có sự tham dự đại diện lãnh đạo UBND và các sở, ban ngành các tỉnh Tây Nguyên.

Video clip:

Đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu chào mừng Hội nghị

Theo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), 5 tỉnh Tây Nguyên hiện đang quản lý, sử dụng hơn 5,45 triệu ha diện tích tự nhiên (chiếm 16,5% diện tích tự nhiên cả nước). Trong số này, đất nông nghiệp chiếm hơn 4,9 triệu ha, đất phi nông nghiệp hơn 334.700 ha và đất sử dụng gần 188.000 ha. Các tỉnh Tây Nguyên có 201 tổ chức nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn (gọi chung là nông, lâm trường) với tổng diện tích quản lý, sử dụng là 2,75 triệu ha. Thực hiện Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, có 108 công ty, chi nhánh công ty nông, lâm nghiệp tại Tây Nguyên phải sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động. Ngoài các đơn vị đã sắp xếp lại, hiện Tây Nguyên có 13 công ty nông, lâm nghiệp đã giải thể và 2 đơn vị khác chuyển đổi thành Ban quản lý rừng phòng hộ.

Lãnh đạo UBND các tỉnh Tây Nguyên tham dự Hội nghị

Theo đánh giá của Bộ TN&MT và lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, việc rà soát đất đai gắn với sắp xếp, chuyển đổi các công ty nông, lâm nghiệp đã xác định được cụ thể đối tượng, nhu cầu và phạm vi sử dụng đất để phát huy nguồn lực và hiệu quả sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số bất cập như: Chưa phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai; công tác quản lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả dẫn tới tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất diễn biến phức tạp…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Trương Thanh Tùng trao đổi về những tồn tại, vướng mắc về quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh thời gian qua

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung trao đổi về thực trạng quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trên địa bàn. Tình trạng dân di cư tự do ồ ạt vào Tây Nguyên không chỉ gây áp lực nặng nề lên tài nguyên (nhất là rừng và đất sản xuất), áp lực về kinh tế - xã hội các địa phương mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý dân cư. Trong lúc nhiều chính sách pháp luật có sự chồng chéo, công tác quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường ngày càng bộc lộ thêm nhiều khó khăn, bất cập…

Ông Lê Thanh Khuyến, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục rà soát lại các nông, lâm trường

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc mà lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã trao đổi. Bộ trưởng cũng thừa nhận nhiều chính sách pháp lý chồng chéo đã tác động nhiều mặt đến tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương. Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, có vị trí đặc biệt quan trọng cả về an ninh - quốc phòng và đảm bảo môi trường cho các khu vực lân cận. Khu vực chịu áp lực rất lớn từ tình hình dân di cư tự do nên việc quản lý, bảo vệ rừng và quản lý đất đai khó khăn, phức tạp hơn cho các tỉnh. Vì vậy, trong vấn đề quản lý đất đai, Tây Nguyên cũng cần có những chính sách, cơ chế đặc thù riêng.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng Tây Nguyên cần có chính sách đặc thù trong quản lý, sử dụng đất đai

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay: “Thời gian tới, chúng tôi rất mong các tỉnh cần tập trung rà soát, lập phương án sử dụng đất, vì đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với quản lý nhà nước về đất đai. Bộ TN&MT cũng sẽ sớm cử 1 tổ công tác xuống thanh, kiểm tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các tỉnh Tây Nguyên để kịp thời hướng dẫn khắc phục những “lỗ hổng”, thiếu sót. Căn cứ vào kết quả thanh, kiểm tra và những ý kiến hôm nay, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ban ngành trung ương tham mưu Quốc hội, Chính phủ để có những chính sách cho các tỉnh Tây Nguyên quản lý, sử dụng đất đai ngày càng hiệu quả trong thời gian tới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần cơ chế đặc thù cho Tây Nguyên trong quản lý đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO