Cần tập trung sản xuất hồ tiêu theo hướng chuẩn hữu cơ

Phan Tuấn| 23/08/2019 18:09

Sáng 23/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Đắk Nông, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do.

ADQuảng cáo

Các đồng chí Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông; Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam; Nguyễn Quốc Toản, Cục Trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Công thương), chủ trì hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Lê Diễn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn. Lãnh đạo nhiều bộ, ngành, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ hồ tiêu, các hợp tác xã tiêu biểu và nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng đến dự hội nghị…

Đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu chào mừng hội nghị

Báo cáo tại hội nghị cho biết, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam luôn giữ vững vị thế số một thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Nếu như năm 2001, cả nước có hơn 35.000 ha thì năm 2018, diện tích hồ tiêu là 149.800 ha, tăng hơn 400%.

Hiện nay, Việt Nam chiếm trên 40% sản lượng tiêu và gần 60% thị phần xuất khẩu hồ tiêu của thế giới. Hồ tiêu Việt Nam đã được xuất khẩu đến trên 105 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam năm 2001 đạt 90 triệu USD và đến năm 2018 đạt 758,8 triệu USD, tăng hơn 700%.

Hội nghị nhận được nhiều ý kiến về phát triển hồ tiêu bền vững

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đạt kỷ lục là 1,422 tỷ USD. Thế nhưng, ba năm gần đây (2017-2019), giá hồ tiêu trên thế giới đã sụt giảm. Nguyên nhân là do nguồn cung hồ tiêu trên thế giới liên tục tăng (từ 8%-10%), trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng 2%. Trước đây, có thời điểm giá tiêu đạt 250.000 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 45.000-46.000 đồng/kg. Với giá bán này, những hộ trồng tiêu trong cả nước đang gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ, mất khả năng trả nợ các khoản tín dụng đã vay để đầu tư trồng hồ tiêu…

Các đại biểu tham dự hội nghị

ADQuảng cáo

Theo nhận định và dự báo, sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong thời gian tới vẫn trong xu hướng tăng, nên giá cả có khả năng sẽ tiếp tục đi xuống. Năm 2019, sản lượng hồ tiêu thế giới sẽ đạt 602.000 tấn, tăng 8,27%. Riêng Brazil sản lượng tăng 28%, Campuchia tăng 17% và Việt Nam tăng khoảng 9% (sản lượng 240.000 tấn). 

Đại biểu phát biểu tham luận tại hội nghị

Tại hội nghị, các nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân đã đóng góp nhiều tham luận về giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững như: Tái cơ cấu ngành hồ tiêu trong lĩnh vực quy hoạch, canh tác, giống, bảo vệ thực vật; thực trạng chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ hồ tiêu; xu hướng thị trường hồ tiêu trong nước và quốc tế; các giải pháp đáp ứng yêu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, tăng tính cạnh tranh của hồ tiêu Việt Nam; thực trạng, chất lượng tín dụng đối với cây hồ tiêu, đề xuất giải pháp, hướng xử lý về thực trạng thiệt hại; xem xét từng món vay cụ thể để giảm lãi vay, giãn nợ, đặc biệt là miễn, giảm lãi vay cho bà con, đưa ra hướng xử lý nợ vay...

Bà Hoàng Thị Liên, Giám đốc điều hành Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế phân tích về vấn đề cung cầu, thị trường hồ tiêu

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Trong thời điểm này, ngành hồ tiêu đang gặp phải nhiều khó do hệ lụy phát triển quá "nóng" và tăng quá nhanh về diện tích. Trong giai đoạn 2014 - 2016, giá hồ tiêu khi đó có lúc lên đến 240 triệu đồng/tấn, không có loại cây trồng nào có giá lãi gấp 5 lần so với chi phí sản xuất như thế. Trong khi, đến năm 2020, Việt Nam chỉ quy hoạch 50.000 ha hồ tiêu thì hiện nay lên đến 149.800 ha. Bên cạnh đó, bệnh chết nhanh, chết chậm là hệ lụy của việc thâm canh quá độ, khiến cho vườn cây bị kiệt quệ rất nhanh.

Hồ tiêu là ngành hàng rất nhạy cảm bởi được sử dụng để chế biến gia vị, rất cần thiết về mặt chất lượng. Thế nhưng, sự liên kết giữa doanh nghiệp với các địa phương còn hạn chế. Hiện nay, việc chế biến hồ tiêu chủ yếu là làm sạch, tiệt trùng rồi xuất bán chứ chúng ta có rất ít sản phẩm chế biến sâu. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu kết luận hội nghị

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Các địa phương cần căn cơ, cố gắng ổn định diện tích hồ tiêu ở mức 100.000 ha. Đối với những diện tích hồ tiêu bị bệnh, những vườn cây có sức khỏe yếu, hiệu quả thấp không nên trồng lại mà chuyển đổi sang cây trồng khác. Chúng ta cần kết thúc cách sản xuất dưới thì bón phân hóa học, trên thì phun thuốc kích thích, không loại cây trồng nào có thể chịu đựng được. Hiện nay, chúng ta nên tập trung đẩy mạnh phát triển cây hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ. Qua thực tế nhiều mô hình ở các tỉnh, thành cho thấy, việc bón phân hữu cơ đều không xuất hiện bệnh chết nhanh, chết chậm. Do đó, chúng ta cần quyết liệt triển khai phát triển sản xuất tiêu hữu cơ. Đây là cách để chúng ta giảm bệnh và phát triển hồ tiêu một cách bền vững nhất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tập trung sản xuất hồ tiêu theo hướng chuẩn hữu cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO