Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 9

Đức Diệu| 22/11/2018 14:17

Sáng 22/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phía Nam về ứng phó với áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến dự và chỉ đạo cuộc họp.

Tại điểm cầu Đắk Nông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các sở, ngành dự hội nghị.

Video clip:

Tại điểm cầu Đắk Nông, đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cùng các sở ngành tham dự cuộc họp

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4h00 ngày 22/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 118,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 400 km về phía Đông Đông Nam; sức gió mạnh nhất cấp 7, giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão. Đến đêm 24, rạng sáng 25/11, bão đổ bộ vào đất liền khu vực Phú Yên - Bình Thuận với sức gió cấp 9, 10, giật cấp 12. Theo thông tin từ các đài quốc tế, hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn từ 200-300mm tại các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Khi đi vào Biển Đông, bão số 9 kết hợp không khí lạnh sẽ tương tác với nhau gây mưa to đến rất to cho suốt dọc các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đến Bình Thuận. Trong các ngày 24 đến 26/11, các tỉnh phía Nam Tây Nguyên dự báo có mưa rất to, có nơi lên đến 300 đến 400mm.

Tại cuộc họp, các tỉnh Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng…đã có báo cáo tổng hợp về các phương án ứng phó và công tác kêu gọi tàu thuyền, di dời người dân trên các lồng bè, vùng ven bờ.

Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương đưa ra dự báo hoàn lưu áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 9. Ảnh: nchmf.gov.vn

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị tất cả các bộ, ngành liên quan và các địa phương rà soát lại, chủ động lên phương án ứng phó với cơn bão số 9; rà soát lại tất cả phương châm 4 tại chỗ; chủ động sẵn lực lượng, phương tiện, thiết bị, đảm bảo an toàn cho người dân trên biển, đất liền; chủ động di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, dễ ngập lụt, sạt lở; toàn bộ tàu thuyền phải được nêu đậu tránh trú bão an toàn; đề phòng nguy cơ sạt lở, triều cường. Các công trình nhà cửa, dân dụng, cơ sở hạ tầng cần có phương án chằng chống, bảo đảm an toàn; chủ động kiểm tra an toàn hồ đập vừa vận hành đảm bảo an toàn phù hợp vừa giữ được nước cho sản xuất, sinh hoạt.

Sau cuộc họp trực tuyến, đồng chí Nguyễn Bốn đã chủ trì cuộc họp nhanh với các sở, ngành để triển khai công tác ứng phó theo chỉ đạo của Trung ương. Theo đó, đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương rút kinh nghiệm từ cơn bão số 12 năm 2017 để chủ động túc trực 24/24h, lên phương án ứng phó với bão số 9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với huyện Krông Nô kiểm tra các hộ nuôi cá lồng bè trên sông Krông Nô, yêu cầu người dân có phương án di dời; đôn đốc người dân thu hoạch diện tích lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp với các công ty cây xanh, các chủ rừng kiểm tra lại toàn bộ cây cối trên các tuyến quốc lộ có nguy cơ gãy đổ. Sở Công thương làm việc với các công trình hồ đập thủy điện lên phương án yêu cầu xả lũ hợp lý, tránh gây ngập úng ở vùng trũng. Các cơ quan báo chí thường xuyên cập nhật, đưa tin về diễn biến của bão để người dân, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 9
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO