Đặc sắc Lễ cúng dựng cây Nêu của người M'nông tại Festival Di sản Quảng Nam

H’Mai| 12/06/2017 13:56

Sáng ngày 11/6, trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, tại Khu Nhà làng truyền thống Cơtu, huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam), tham gia Ngày hội trình diễn nghi lễ dựng cây Nêu, Đoàn nghệ nhân tỉnh Đắk Nông đã tái hiện một cách trang trọng, chân thực Lễ cúng dựng cây nêu của người M’nông trong lễ ăn trâu.

Cây nêu của người M’nông tỉnh Đắk Nông được dựng tại Khu Nhà làng truyền thống Cơtu, huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam)

Người M’nông là dân tộc thiểu số tại chỗ sống lâu đời trên mảnh đất cao nguyên Đắk Nông, sống gần gũi và dựa vào thiên nhiên. Với tín ngưỡng đa thần, những điều liên quan đến đời sống và sản xuất đều phải có sự cầu xin để được thần linh cho phép tiến hành nghi lễ. Lễ cúng dựng cây nêu có ý nghĩa quan trọng trong các lễ hội dù lớn hay nhỏ. Cây nêu là nơi trú ngụ của các thần linh. Các vị thần sẽ về ở và dự lễ hội ở nơi trang trọng nhất để chứng kiến lòng thành và giúp đỡ bon làng.

Ông Điểu Yre, nghệ nhân xã Đắk Ngo (Tuy Đức), người trực tiếp thực hiện các nghi thức cúng dựng cây nêu cho biết: “Từ lúc vào rừng chọn thân chính của cây nêu và các vật liệu đến khi hoàn thành cây nêu đều được làm tỉ mỉ. Những thanh niên khỏe mạnh, khéo léo trong bon được hội đồng già làng hoặc chủ nhà tuyển chọn đi tìm cây lồ ô cao trong vùng để làm thân cây nêu; chọn nơi thiêng liêng nhất trong làng để dựng cây nêu. Cây nêu được làm xong trước khi diễn ra các nghi lễ cúng chính từ 5 – 10 ngày, chủ nhà làm lễ để xin thần cho dựng cây nêu…”

Cây nêu của người M’nông được dựng trong ngày hội trình diễn là cây nêu trong lễ ăn trâu, cao 7,5m, được chia làm 3 tầng. Thân chính của cây nêu thẳng đứng, chắc chắn, trên thân cây nêu được trang trí thêm hoa văn làm từ gỗ, lồ ô, dây mây, vỏ cây, lá cây…

Ba tầng của cây nêu là nơi thể hiện vị trí, thứ tự của hệ thống vũ trụ. Tầng trên cùng được trang trí nhiều nhất, bốn góc có được nhiều hình tượng như chùm tua lồ ô tượng trưng cho những bông lúa trĩu hạt. Tổ ong tượng trưng cho một cộng đồng đông đúc, đoàn kết, kỷ luật và chăm chỉ. Chim én, cánh chim thể hiện cho khát vọng cuộc sống vươn cao, bay xa. Con dao, ống nước, lục lạc,… là những vật dụng không thể thiếu trong đời sống của người M’nông.

Khi có làn gió thổi, các hình tượng này sẽ cùng rung lên và tạo nên âm thanh như một bản nhạc tự nhiên, âm vang giữa núi rừng. Tầng giữa đặt các lễ vật dâng cúng, được đan từ lồ ô, bốn góc gắn những con vật đan bằng tre nứa rất linh động. Đây là những con vật thân quen trong đời sống người M’nông như dê, trâu, chim, gà… Tầng dưới cùng của cây nêu được làm rất kiên cố, là nơi người đại diện có hiểu biết, uy tín của bon làng tiến hành làm lễ…

Các nghệ nhân M’nông tỉnh Đắk Nông tái hiện Lễ cúng dựng cây nêu trong lễ ăn trâu, mừng vụ lúa bội thu

Một điểm nổi bật trên cây nêu trong lễ ăn trâu của người M'nông là sự phối hợp giữa ba màu chủ đạo: trắng, đỏ, đen. Màu trắng tượng trưng cho trời, màu đỏ tượng trưng cho lửa và màu đen tượng trưng cho đất, rừng núi. Trên đầu cao chót của cây nêu là con chim đại bàng thể hiện cho quyền lực, tự do và sức mạnh trong khoảng trời bao la.

Theo ông Lê Văn Phúc, cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tuy Đức thì việc tái hiện Lễ cúng dựng cây nêu lần này được thực hiện theo hình thức “tự nhiên”, việc “sân khấu hóa” được hạn chế hoàn toàn. Các nghệ nhân M’nông ở xã Đắk Ngo (Tuy Đức) đã trực tiếp phục dựng lại các nghi thức chính gắn với nét văn hóa của dân tộc mình.

Các nghệ nhân tham gia trình diễn cũng là những người M’nông am hiểu về văn hóa truyền thống. Mọi người cùng chuẩn bị các lễ vật dâng cúng bao gồm: tim gan heo, thịt nướng, rượu cần, cơm lam, một con gà và con heo nhỏ. Đến khi làm lễ, người vợ mang gùi đựng lễ vật đặt trên cái nia gần nơi dựng cây nêu.

Tiếp theo, người chồng khấn xin phép thần linh cho chủ nhà dựng cây nêu để làm lễ cúng. Vừa đọc lời cúng, chủ nhà vừa lấy tiết heo, tiết gà vẩy xung quanh nơi dựng cây nêu. Khi dứt lời cúng, mọi người trong bon đánh chiêng nhằm động viên cho trai tráng trong bon thêm sức để dựng cây nêu.

Khi cây nêu dựng xong, chủ nhà khấn tạ thần linh. nam nữ đánh chiêng, nhảy múa xung quanh cây nêu. Sau đó, chủ nhà mời già làng cùng khách, những người cùng chặt cây và dựng nêu uống rượu cần, ăn cơm lam, thịt gà, hát đối đáp, hỏi thăm sức khỏe nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc Lễ cúng dựng cây Nêu của người M'nông tại Festival Di sản Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO