Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam

Lê Phước| 10/03/2019 19:35

Trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma ThuộT lần thứ 7, năm 2019, chiều 10/3, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã diễn ra Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, lãnh đạo các địa phương, đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế cùng đông đảo chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê trong nước.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh (giữa) cùng Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Việt Nam Lương Văn Tự (trái) và lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk chủ trì hội thảo

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), đến năm 2017, cả nước có trên 664.000 ha cà phê với tổng sản lượng đạt trên 1,5 triệu tấn nhân/năm. Cà phê được trồng chủ yếu ở 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum) với diện tích 577.800ha (chiếm 89,6%).

Cà phê nước ta chủ yếu là Robusta (chiếm 93%), còn lại là Arabica. Năng suất bình quân của cà phê cả nước là 2,3 tấn/ha, cao hơn so với năng suất bình quân của cà phê trên thế giới.

Đông đảo đại biểu Trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia, doanh nghiệp tham dự hội thảo

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích cà phê già cỗi và mức độ thâm canh ở các vùng không đồng đều. Mặc dù đem lại lợi ích khá cao cho người trồng, nhưng nhiều hộ dân thâm canh cà phê không đúng quy trình kỹ thuật, lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và lãng phí nguồn nước.

Ông Adi Taroepratjeka, Trường Đào tạo nghề 5758 Coffee Lad (Indonesia) trao đổi về hiện trạng và kinh nghiệm phát triển cà phê đặc sản ở Indonesia

Cà phê Việt Nam được xuất khẩu sang 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD, chiếm 14% thị phần và 10,4% giá trị cà phê xuất khẩu toàn cầu (đứng thứ 2 thế giới sau Brazil). Mặc dù có kim ngạch xuất khẩu cao trong nhóm hàng nông sản nhưng 90% cà phê Việt Nam xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô (cà phê nhân) và tốc độ tăng trưởng từ năm 2013 - 2017 chỉ ở mức bình quân 6,57%/năm. Nguyên nhân chủ yếu là do chịu nhiều biến động của thị trường cà phê thế giới.

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột Trịnh Đức Minh đề xuất phát triển cà phê đặc sản Việt Nam

Thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp và người dân đã có các giải pháp như: nâng cao hiệu quả, giảm chi phí sản xuất; cải tiến trong thu hái, bảo quản và chế biến sâu; phát triển thị trường… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, những kết quả mang lại chưa thực sự đáng kể. Do đó, việc xây dựng, phát triển đặc sản cà phê được xem là một hướng đi có  tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng và giá trị cho cà phê Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chia sẻ những vấn đề liên quan đến việc xây dựng, phát triển cà phê đặc sản

Tại hội thảo, các chuyên gia cà phê của Nhật Bản, Indonesia, Malaysia đã trao đổi về hiện trạng, kinh nghiệm phát triển cà phê đặc sản; thị trường cà phê đặc sản và những ảnh hưởng của phương pháp sơ chế đến công nghiệp cà phê đặc sản và giá cả. Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam và các viện khoa học kỹ thuật, doanh nghiệp trong nước trao đổi về những giải pháp nâng cao giá trị cà phê Việt Nam, cách thức tổ chức sản xuất cà phê nhân đặc sản, một số đề xuất phát triển cà phê đặc sản Việt Nam…

Các đại biểu tham dự hội thảo tham quan, thưởng thức các mẫu cà phê đạt giải cao trong Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019 (tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO