Hội thảo phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế

Văn Tâm| 12/03/2017 16:20

Ngày 12/3, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp-PTNT và UBND tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp tổ chức Hội thảo phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Đồng chí Điểu KRé, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì hội nghị.

Hội thảo có sự đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia cho ngành hàng cà phê Việt Nam phát triển bền vững

Theo báo cáo tại hội thảo, cà phê Tây Nguyên chiếm hầu hết về diện tích, sản lượng cà phê Việt Nam và trở thành cây trồng có ưu thế tuyệt đối của vùng. Năm 2015, diện tích cà phê toàn vùng đạt trên 576.000 ha, chiếm 89,4% cả nước, tăng 13,26% so với năm 2010. Sản lượng đạt 1,3 triệu tấn, chiếm 93,3% cả nước. Năng suất cà phê robusta của Tây Nguyên gấp 3 lần bình quân của thế giới (2,5 tấn so với 0,8 tấn/ha).

Trong thời gian qua,  các tỉnh Tây Nguyên đã hình thành một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm và sản xuất cà phê đạt chứng chỉ chất lượng quốc tế; một số mô hình liên kết giữa tổ chức, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với nông hộ sản xuất cà phê.

Tuy nhiên, hiện cà phê Tây Nguyên cũng như cà phê Việt Nam nói chung hầu như chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Giá trị gia tăng, chất lượng của sản phẩm vẫn còn thấp. Đa số xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế nên giá trị thu được chưa cao. Cùng với đó, tình trạng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành sản xuất cà phê của toàn vùng.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp trọng tâm, đưa ra định hướng giúp ngành hàng cà phê của Tây Nguyên nói riêng và của cả nước nói chung phát triển ổn định, bền vững nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Theo đó, trước mắt, việc cần thiết là củng cố và đổi mới hoạt động của Ban Điều phối phát triển cà phê do Bộ Nông nghiệp-PTNT chủ trì. Ban Điều phối cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan và các tỉnh Tây Nguyên để xây dựng các dự án liên kết nhằm huy động, tập trung nguồn lực phát triển ngành hàng, sản phẩm.

Các địa phương cần quy hoạch ngành sản xuất cà phê theo hướng thích hợp với điều kiện tự nhiên; đẩy mạnh công tác quản lý quy hoạch, gắn quy hoạch với vùng sản xuất nguyên liệu có truy nguyên nguồn gốc.

Các địa phương tăng cường các giải pháp kỹ thuật vào tái canh cà phê, áp dụng hiệu quả các biện pháp về bốn phân, tưới nước, quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), khoa học công nghệ; thực hiện liên doanh, liên kết, hình thành chuỗi giá trị cà phê bền vững, từ sản xuất đến thu mua – chế biến - bảo quản – tiêu thụ sản phẩm theo các tiêu chuẩn 4C, VietGap…

Theo đại diện Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp-PTNT), với mục tiêu xây dựng ngành cà phê Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, có tính cạnh tranh cao với các sản phẩm đa dạng, có chất lượng thì theo định hướng của Bộ Nông nghiệp-PTNT về phát triển ngành cà phê bền vững đến năm 2020, tổng diện tích trồng cà phê cả nước ổn định khoảng 600.000 ha.

Trong đó, vùng trọng điểm phát triển cà phê, gồm 4 tỉnh Tây Nguyên với khoảng 530.000 ha (Cụ thể, Đắk Lắk: 190.000 ha, Lâm Đồng: 150.000 ha, Gia Lai: 75.000 ha và Đắk Nông: 115.000 ha). Các vùng cà phê khác gồm 7 tỉnh, khoảng 70.000 ha, gồm Đồng Nai, Bình Phước, Kon Tum...

Ngoài ra sẽ quy hoạch một số vùng cà phê chè chất lượng cao tại Lâm Đồng, Kon Tum, Sơn La, Điện Biên. Trên cơ sở đó, các địa phương cần tiến hành rà soát, đánh giá điều kiện sinh thái thích nghi với cây cà phê, giảm diện tích kém hiệu quả để tiếp tục duy trì phát triển bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO