Khắc phục những hạn chế, khó khăn, tăng cường giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Hiền| 15/08/2017 16:01

Chiều 15/8, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006-2016 trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ngành của tỉnh đã tiếp và làm việc với đoàn.

Theo báo cáo, từ năm 2006-2016, tỉnh đã giao và tạm giao cho 61 cộng đồng và nhóm hộ dân tộc thiểu số tổng diện tích 8.065 ha rừng

Theo báo cáo của tỉnh, thời gian qua, cùng với việc thành lập các ban chỉ đạo, các tổ công tác, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã xây dựng chương trình, kế hoạch giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư. Chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, cộng đồng dân cư tham gia nhận đất, nhận rừng. Theo đó, từ năm 2006-2016, tỉnh đã giao và tạm giao cho 61 cộng đồng và nhóm hộ là người dân tộc thiểu số, với tổng diện tích 8.065 ha; trong đó, đất có rừng trên 6.385 ha, đất không có rừng trên 1.600 ha. Tỉnh cũng đã tạm giao cho 8 hộ gia đình dân tộc thiểu số gần 100  ha; trong đó, đất có rừng 55,7 ha, đất không có rừng 44,2 ha. Trong tổng số diện tích giao và tạm giao hiện toàn tỉnh còn lại 2.539 ha thuộc diện tích quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên.

Tuy nhiên, trong quá trình giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số vẫn còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể như diện tích rừng giao chủ yếu là rừng nghèo kiệt, trữ lượng thấp, manh mún, địa hình phức tạp nên khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ. Chính sách, cơ chế hưởng lợi của việc giao đất, giao rừng chỉ mang tính định hướng, chưa quy định cụ thể nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện. Số liệu quản lý và số liệu diện tích rừng có sự chênh lệch giữa giấy tờ và thực tế…

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Giàng A Chu đề nghị, tỉnh cần tăng cường các giải pháp giao đất, giao rừng cho các hộ dân tộc thiểu số

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng mong muốn, trong thời gian tới, Quốc hội sửa đổi luật để thừa nhận cộng đồng dân cư là một pháp nhân nhằm thực hiện các quyền lợi như cho thuê, thế chấp, góp vốn kinh doanh bằng giá trị quyền sử dụng rừng được giao, được đầu tư phát triển lâm nghiệp. Chính phủ, các bộ, ngành cần ban hành văn bản quy định về chính sách đối với cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng để quản lý, sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; đồng thời tăng cường bố trí kinh phí thực hiện giao đất, giao rừng theo quy định, giúp cộng đồng dân cư có đầy đủ các quyền sử dụng rừng bền vững, thương mại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong việc thực hiện có hiệu quả công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư

Cùng với việc đánh giá cao những kết quả tỉnh đã đạt được, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Giàng A Chu đề nghị, tỉnh Đắk Nông cần tiếp tục khắc phục những hạn chế, khó khăn để tăng cường giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cần cân đối lại nguồn kinh phí, có kế hoạch cụ thể để phân định mức thực hiện giao đất, giao rừng. Việc giao đất, giao rừng cho các hộ dân tộc thiểu số nên gắn liền với việc phát huy trách nhiệm của từng hộ dân, cộng đồng. Đối với những diện tích không còn rừng, tỉnh cần có chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc thực hiện trồng lại rừng một cách hiệu quả. Đối với diện tích rừng hiện có cần có cơ chế, biện pháp bảo vệ hữu hiệu, hạn chế tối đa diện tích rừng bị phá để nâng cao độ che phủ.

Video clip:

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục những hạn chế, khó khăn, tăng cường giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO