Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia

Lê Dung| 12/03/2019 16:50

Chiều 12/3, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Video clip:

UVBCT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo hội nghị. Tại đầu cầu tỉnh Đắk Nông, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành, địa phương đã tham dự.

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự buổi lễ tại đầu cầu tỉnh Đắk Nông

Theo đó, Trục liên thông văn bản quốc gia là giải pháp kỹ thuật, công nghệ được triển khai từ Văn phòng Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương để kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử. Đây sẽ là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu số quốc gia; vận hành hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ.

Trục liên thông văn bản quốc gia cũng sẽ giúp tăng năng suất, hiệu quả hoạt động của chính quyền trong việc gửi, nhận các văn bản, giảm được chi phí hoạt động, điều hành hiệu quả; đồng thời, tạo lập môi trường điện tử để người dân giám sát và đóng góp cho hoạt động của chính quyền các cấp...

Đến nay, 95/95 cơ quan ở Trung ương và địa phương đã hoàn thành kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Các phần mềm quản lý văn bản của bộ, ngành, địa phương đã được kết nối, liên thông cả theo chiều dọc và chiều ngang một cách thông suốt, có hệ thống, nhanh chóng, an toàn. Trong vòng 1 tháng đầu năm nay, cả nước đã có 8.315 văn bản gửi và 19.296 văn bản nhận điện tử…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ ấn nút khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc triển khai việc gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Trước hết là ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành xử lý văn bản; khuyến khích các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ việc gửi, nhận văn bản điện tử theo quy định. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để tập trung nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm quản lý văn bản nội bộ và triển khai hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ liên thông gửi, nhận văn bản điện tử. Các cơ sở dữ liệu quốc gia, trước mắt là các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, tài chính, đăng ký doanh nghiệp, đất đai quốc gia, hộ tịch điện tử và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phải tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện, để trong giai đoạn 2020 - 2025 sẵn sàng kết nối liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Đặc biệt, vấn đề an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức phải được bảo đảm tối đa, không được để lộ, lọt dữ liệu và thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cập nhật, bổ sung, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia nói riêng, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước nói chung…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại lễ khai trương. Ảnh: Chinhphu.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO