Muốn làm tốt công tác hòa giải thì phải khéo trong công tác dân vận

Hoàng Hoài| 13/07/2020 13:38

Ngày 13/7, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao và Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải.

Video clip:

Tại điểm cầu Đắk Nông, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung, cùng lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ban ngành liên quan tham dự.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung, cùng lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông

Phát biểu khai mạc, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, hoạt động hòa giải đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, là cách thức tốt đẹp được lựa chọn để giải quyết xích mích giữa các cá nhân, gia đình trong cộng đồng dân cư, góp phần phát huy văn hóa dân tộc, tăng cường tình làng, nghĩa xóm, mối liên kết tình cảm của văn hóa làng xã. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, hòa giải là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan hành chính và tư pháp. Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác hòa giải.

Theo báo cáo, qua 6 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở đã đi vào nền nếp, hiệu quả, tạo đồng thuận trong xã hội. Những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, không để kéo dài, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện các cấp. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thông qua đó Nhân dân trực tiếp tham gia quản lý mọi mặt đời sống xã hội.

MTTQ và các tổ chức thành viên luôn là lực lượng nòng cốt trong công tác hòa giải ở cơ sở. Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải tại toàn án cũng được chú trọng, góp phần tăng niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Tỷ lệ hòa giải thành công trong giải quyết các vụ việc dân sự của các tòa án tăng dần qua từng năm. Tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 96.605 tổ hòa giải được thành lập tại cấp thôn với 600.462 hòa giải viên. Từ 2014-2019, tổ hòa giải cả nước đã hòa giải 875.312 vụ việc, hòa giải thành công 707.945 vụ, việc (đạt 80,9%).

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam yêu cầu, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự coi mình là một hòa giải viên. Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên ở cơ sở phải phối hợp với ngành tư pháp, tòa án các cấp trong triển khai thực hiện, giải quyết hòa giải ở cơ sở. Các cấp, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Đến dự và phát biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, muốn làm tốt công tác hòa giải thì phải khéo trong công tác dân vận. Muốn khéo thì không chỉ các hòa giải viên, cán bộ hòa giải mà cán bộ chính quyền các cấp cần chú trọng công tác dân vận trong hoạt động hòa giải nói riêng và nắm chắc, áp dụng, xử lý theo quy định pháp luật. Muốn các mâu thuẫn từ to thành nhỏ, từ nhỏ thành không có gì thì trong quá trình thực hiện hòa giải phải nắm sát tâm tư nguyện vọng của Nhân dân và cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Muốn làm tốt công tác hòa giải thì phải khéo trong công tác dân vận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO