Tăng cường đối ngoại, tham vấn với các nước để giảm thấp nhất các tác động đến sông Mê Công

Phan Tân| 03/12/2019 14:02

Ngày 3/12, tại thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ hai năm 2019.

Video clip:

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Trương Thanh Tùng, cùng lãnh đạo 16 tỉnh, thành phố lưu vực sông Mê Công tham dự.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng khẳng định, Đắk Nông cam kết sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực, tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào các hoạt động chung của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam

Phát biểu chào mừng hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng cho rằng: Đắk Nông có một phần diện tích thuộc lưu vực sông Sêrêpốk, là một tiểu lưu vực phía Đông của lưu vực sông Mê Công. Sông Sêrêpốk có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc phát triển kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng của Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng. Tuy nhiên, lưu vực sông Mê Công của Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều tác động tiêu cực và thách thức trong quá trình phát triển. Do đó, với tư cách là thành viên của ủy ban, tỉnh Đắk Nông cam kết sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực, tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào các hoạt động chung. Qua đó, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam không những là một cơ quan đa ngành, có tính linh hoạt cao và chuyên môn sâu để giải quyết hoặc tham mưu Chính phủ giải quyết những vấn đề nội bộ của Việt Nam, mà còn là một thành viên tích cực, năng động, bản lĩnh và khôn khéo của Ủy hội sông Mê Công quốc tế để tham gia đàm phán giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam khẳng định, sự phát triển kinh tế - xã hội trên dòng chính sông Mê Công bị ảnh hưởng do những tác động tiêu cực từ nhiều yếu tố

Báo cáo và các ý kiến tại hội nghị cho thấy, lưu vực sông Mê Công của Việt Nam, bao gồm các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên đã và đang đối mặt với nhiều tác động tiêu cực và thách thức trong quá trình phát triển bền vững do tác động từ biến đổi khí hậu; suy giảm diện tích rừng đầu nguồn; việc xây dựng các đập thủy điện; các công trình ngăn dòng chảy chính và chuyển nước ở các quốc gia thượng nguồn... gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội.

Trong năm 2019, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã tham gia vào các quá trình tham vấn, đóng góp ý kiến về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trong các quy hoạch tài nguyên nước và các dự án đầu tư lớn... Việc đàm phán xây dựng Hiệp định về Quy chế sử dụng nước dọc biên giới Việt Nam-Campuchia theo Biên bản của Kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia cũng được hoàn thành.

Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cũng triển khai thành lập một số nhóm chuyên gia, huy động sự tham gia sâu rộng của tất cả các bên có liên quan trong các hoạt động trong nước và quốc tế… Việc xây dựng mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn và tài nguyên nước trên toàn lưu vực, thiết lập trung tâm dữ liệu và cơ chế chia sẻ thông tin dữ liệu, xây dựng năng lực dự báo, nghiên cứu, quản lý rủi ro trên cơ sở hệ thống quan trắc hiện nay, kể cả của Ủy hội sông Mê Công quốc tế được thúc đẩy.

Ủy ban luôn theo sát, kịp thời sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao để chỉ đạo, điều hành các biến động trong lưu vực trong bối cảnh hợp tác Mê Công đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Ủy ban luôn chỉ đạo chặt chẽ và hiệu quả các hoạt động điều phối và lồng ghép kết quả của hợp tác Mê Công trong lĩnh vực quản lý của bộ, ngành và địa phương mình. Các hoạt động hợp tác với Ủy hội sông Mê Công quốc tế được duy trì tốt.

Các đại biểu cho rằng, trong chủ trương, định hướng giải quyết các vấn đề sông Mê Công, Việt Nam cần phải có giải pháp toàn diện

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương và các chuyên gia đã nêu những ý kiến khẳng định vai trò, vị trí của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam. Đặc biệt, trong chủ trương, định hướng giải quyết các vấn đề sông Mê Công, Việt Nam cần phải có giải pháp toàn diện, nhất là cần tiếp tục kiện toàn, nâng cao vai trò của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.

Cụ thể, trong năm 2020, Ủy ban tiếp tục theo sát diễn biến trong lưu vực và tình hình khai thác sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trên lưu vực sông Mê Công; triển khai các hoạt động tham vấn và đánh giá tác động, kịp thời tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định; triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Công tác phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu đề xuất cơ chế tăng cường hợp tác với các quốc gia thành viên thuộc Ủy hội sông Mê Công quốc tế, cơ chế chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước ở lưu vực sông Mê Công và vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục được đẩy mạnh… Trong hợp tác với Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Ủy ban tiếp tục phối hợp với các quốc gia thành viên tổ chức thực hiện kết quả của Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội sông Mê Công quốc tế Siêm Riệp, tháng 4/2018…

Phát biểu kết luận hội nghị Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành khẳng định: Trong thời gian tới, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sẽ thông tin kịp thời các cảnh báo về các xu thế, tình hình khí hậu, thời tiết tác động đến hệ thống sông Mê Công đến các tỉnh, thành liên quan. Cùng với đẩy mạnh thông tin, truyền thông, Ủy ban tăng cường đối ngoại, tham vấn với các nước để giảm thấp nhất các tác động đến sông Mê Công. Trong đó, các tỉnh trong khu vực cần tập trung phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo; xây dựng đề án tổng thể về tình trạng sạt lở trên toàn hệ thống để có giải pháp căn cơ hơn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường đối ngoại, tham vấn với các nước để giảm thấp nhất các tác động đến sông Mê Công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO