Tăng cường phối hợp, bảo đảm hoạt động chứng thực hiệu quả, đồng bộ, thống nhất

Thanh Bình| 29/11/2018 14:01

Sáng 29/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định 23/2015/NĐ-CP, ngày 16/2/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Đắk Nông, lãnh đạo Sở Tư pháp và đại diện các ngành liên quan tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, Nghị định 23 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong đổi mới công tác chứng thực. Người dân có nhiều lựa chọn hơn trong công chứng, chứng thực so với trước đây. Thủ tục hành chính được đơn giản hóa và quy định rõ trách nhiệm của người yêu cầu chứng thực, người thực hiện chứng thực.

Theo thống kê, qua 3 năm thực hiện Nghị định 23 trên cả nước, các phòng tư pháp, UBND cấp xã đã chứng thực 440.951.213 bản sao từ bản chính; chứng thực 14.705.211 chữ ký; chứng thực 3.136.950 chữ ký người dịch và chứng thực 4.439.074 hợp đồng, giao dịch. Các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện chứng thực 45.719.901 bản sao từ bản chính và 1.509.473 chữ ký.

Riêng tại Đắk Nông, trong 3 năm đã chứng thực 1.312.638 bản sao từ bản chính, 19.916 chữ ký, 446 chữ ký người dịch và 64.576 hợp đồng giao dịch.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị định 23 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng bộc lộ hạn chế: Một số địa phương để xảy ra tình trạng chứng thực bản sao một cách tràn lan, ồ ạt, không theo đúng quy định pháp luật; việc quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch chưa chặt chẽ, dễ gây rủi ro sau khi chứng thực; việc thu phí chứng thực ở nhiều nơi chưa đúng quy định, còn xảy ra tình trạng thu thiếu, thu sai mức quy định gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị, thời gian tới, các bộ, ngành, UBND các tỉnh cần tăng cường củng cố mối quan hệ phân công, phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên quan để bảo đảm hoạt động chứng thực hiệu quả, đồng bộ, thống nhất. Công tác kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý các cơ quan, cá nhân thực hiện chứng thực có vi phạm cần được kịp thời, góp phần tăng cường trách nhiệm trong giải quyết chứng thực, hạn chế chứng thực tùy tiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường phối hợp, bảo đảm hoạt động chứng thực hiệu quả, đồng bộ, thống nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO