Tập trung các chính sách mang tầm “cú đấm thép” cho ngành công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa

Lê Dung| 21/02/2020 16:50

Sáng ngày 21/2, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến về Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

ADQuảng cáo

Video clip:

Tại điểm cầu Đắk Nông, các đồng chí: Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ban, ngành và doanh nghiệp tham dự.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn chủ trì hội nghị tại đầu cầu Đắk Nông

ADQuảng cáo

Qua 10 năm thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, trên cả nước đã hình thành được hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản, trong đó có hơn 7.500 cơ sở có quy mô xuất khẩu và hàng vạn cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình. Đến nay, kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước đã tăng mạnh, với bình quân khoảng 8-10%/năm. Sản phẩm chế biến nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 186 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản phần lớn được xây dựng ở khu vực nông thôn, góp phần tích cực trong cải thiện bức tranh kinh tế, xã hội nông thôn; giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng…

Cơ giới hóa nông nghiệp cũng ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp. Trang bị động lực, số lượng, chủng loại máy móc, thiết bị nông nghiệp trên cả nước tăng nhanh. Nhiều loại máy, thiết bị được áp dụng sâu trong sản xuất nông nghiệp. So với năm 2011, đến nay, số lượng máy kéo cả nước tăng khoảng 48%; máy gặt đập liên hợp tăng 79%; máy sấy nông sản tăng 29%. Đến nay, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 mã lực/ha canh tác. Mức độ cơ giới hóa một số khâu trong nông nghiệp đang có xu hướng tăng mạnh…

Tuy nhiên, trình độ công nghiệp chế biến nông sản vẫn ở mức trung bình của thế giới; nhiều cơ sở chế biến có thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm; tổn thất sau thu hoạch còn lớn, với khoảng 10-20%; sản phẩm chế biến vẫn ở dạng sơ chế là chính, có giá trị gia tăng thấp; trang bị động lực bình quân còn thấp so với các nước trong khu vực; công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, khiến giá vật tư, trang thiết bị tăng cao…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các bộ, ngành, tập đoàn, doanh nghiệp cần nêu rõ các tồn tại, khó khăn, vướng mắc về các cơ chế chính sách trong phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung cho những chính sách được mang tầm “cú đấm thép” của Nhà nước để làm tốt hơn về cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Các bộ, ngành, địa phương cần lắng nghe, tiếp thu, vận dụng phù hợp và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đủ sức mạnh để đón tiếp thời cơ phát triển mới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung các chính sách mang tầm “cú đấm thép” cho ngành công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO