Tập trung vào chế biến sâu, tăng chất lượng và giá trị cho cà phê Việt Nam

Lê Phước| 09/12/2017 15:04

Nằm trong chuỗi sự kiện "Ngày cà phê Việt Nam" (10/12) lần thứ nhất năm 2017, ngày 9/12, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ Nông nghiệp - PTNT phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Lâm Đồng và Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thời kỳ phát triển mới của ngành cà phê Việt Nam”.

Video clip:

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Xuân Cường, UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT; Điểu K’ré, UVTƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;  Nguyễn Xuân Tiến, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; lãnh đạo UBND 5 tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc; đại diện các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các viện khoa học, nhà khoa học, các hiệp hội cùng đông đảo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê và nông dân tiêu biểu.

Đông đảo đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành, các địa phương, các đơn vị, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự Hội thảo

Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam thì cà phê là một trong những nông sản xuất khẩu chủ lực và là sản phẩm có giá trị, vị thế cao của nước ta trên trường quốc tế. Hiện tại, cả nước có 645.000 ha cà phê, trong đó có 595.000 ha cà phê đang cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên. Trong niên vụ 2016, cả nước xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê nhân, đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD, đứng thứ 2 thế giới (chiếm 19% thị trường) sau Brasil.

Đại diện nhiều tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao tham dự Hội thảo

Trước nhu cầu ngày càng cao của thế giới, ngành cà phê Việt Nam đang có nhiều cơ hội nhưng đứng trước không ít nguy cơ, thách thức. Nước ta hiện đang là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới bị tác động mạnh mẽ nhất của tình hình biến đổi khí hậu. Trong năm 2016, hạn hán ở Tây Nguyên và tuyết rơi ở một số tỉnh trồng cà phê phía Bắc đã làm hàng vạn ha cà phê bị chết và ảnh hưởng. Trong khi đó, phần lớn diện tích cà phê được trồng từ những năm 90 của thế kỷ trước nên đã già cỗi và cần phải tái canh. Mặc dù diện tích cà phê cần phải tái canh trong 5 năm tới là rất lớn (hơn 140.000 ha) nhưng nhìn chung, tiến độ thực hiện tại các tỉnh Tây Nguyên còn rất chậm chạp.

Ông Jose Dauster Sette, Tổng giám đốc Tổ chức cà phê thế giới (ICO) trao đổi về diễn biến cung - cầu cà phê thế giới và xu hướng phát triển cà phê toàn cầu những năm tiếp theo

Tại Hội thảo, các diễn giả quốc tế và trong nước đã trình bày nhiều tham luận quan trọng như: thời kỳ mới của ngành cà phê Việt Nam - những vấn đề đặt ra: diễn biến cung - cầu thế giới và xu hướng phát triển toàn cầu trong những năm tiếp theo; nâng cao năng lực cà phê của ngành cà phê Việt Nam; hoàn thiện chính sách tái canh và sản xuất cà phê bền vững với biến đổi khí hậu…

Lãnh đạo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) trao đổi về các giải pháp để tăng năng suất, chất lượng cà phê

Một số tỉnh và viện khoa học cũng đã trao đổi về những kinh nghiệm phát triển cà phê bền vững, phát triển cà phê đặc sản gắn với chỉ dẫn địa lý, vai trò của giống, phương pháp và kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cà phê… Các doanh nghiệp, nông dân sản xuất, kinh doanh cà phê cũng nêu ra nhiều vấn đề liên quan đến thương hiệu, thị trường, máy móc hỗ trợ sản xuất, cách thức liên kết chuỗi trong sản xuất cà phê…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT, những năm gần đây, năng suất cà phê Việt Nam ngày càng tăng và hiện tại đang cao hơn thế giới từ 2 - 3 lần. Tuy nhiên, 90% sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm thô, có giá trị thấp. Trong điều kiện nhu cầu về cà phê của thế giới ngày càng cao nhưng diện tích cà phê khó có thể mở rộng, ngành cà phê Việt Nam cần phải tập trung vào một số giải pháp như: triển khai mạnh mẽ chương trình tái canh bằng những giống mới, có năng suất, sản lượng cao; đẩy mạnh và chế biến sâu, đặc biệt là chế biến cà phê hòa tan; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến cà phê để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê… Trên cơ sở đó, sản phẩm cà phê Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định được thương hiệu, tăng giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung vào chế biến sâu, tăng chất lượng và giá trị cho cà phê Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO