Một số thiệt thòi của viên chức cần được xem xét

Phạm Văn  Chung| 07/09/2017 08:22

Theo quy định nếu muốn trở thành công chức hay viên chức đều phải qua tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển.

ADQuảng cáo

Điểm khác nhau cơ bản là công chức làm việc trong các cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan hành chính nhà nước, còn viên chức là những người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoại trừ người đứng đầu đơn vị công lập là công chức, từ cấp phó trở xuống đều là viên chức theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

Trước đây khi chưa có luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức riêng rẽ thì không phân biệt công chức hay viên chức. Do đó, việc xác định vị trí việc làm, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, bổ nhiệm khá đơn giản, thuận tiện. Tuy nhiên, với quy định hiện hành đã gây ra một số khó khăn cho công tác quản lý đội ngũ công chức, viên chức, nhất là việc thực hiện chế độ chính sách, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.

Cụ thể, viên chức muốn trở thành công chức phải qua kiểm tra, sát hạch, ngược lại nếu chuyển đổi vị trí công tác của công chức xuống vị trí viên chức thì coi như hình thức kỷ luật (giáng chức) nên những người bị chuyển đổi sẽ không chấp nhận bị giáng chức.

ADQuảng cáo

Việc chuyển đổi vị trí công tác ở một số vị trí chuyên môn, nghiệp vụ mang tính đặc thù như kế toán, văn thư… không thể thực hiện được. Bởi vì, cùng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ như nhau nhưng người làm việc ở các cơ quan hành chính là công chức, trong khi người làm việc ở đơn vị sự nghiệp công lập lại là viên chức. Điều này gây ra bất hợp lý khi thực hiện chế độ chính sách đối với họ và khi chuyển đổi, vị trí công tác là rất khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được.

Ngoài ra, việc phân biệt công chức, viên chức dẫn đến tình trạng ai cũng muốn làm ở bộ phận hành chính mà không muốn làm đơn vị sự nghiệp công, nếu đơn vị đó không có nguồn thu. Bởi vì, làm ở bộ phận quản lý hành chính thì được hưởng phụ cấp công vụ, còn đơn vị sự nghiệp công lập thì không. Ở một khía cạnh nào đó, quy định hiện hành còn cản trở sự thăng tiến, phát triển tài năng của những người tài chỉ vì họ là viên chức!

Vì vậy, theo chúng tôi cơ quan chức năng cần xem xét hướng dẫn cụ thể các trường hợp viên chức có thể luân chuyển, điều động, bổ nhiệm thành công chức mà không phải làm bất cứ hồ sơ, thủ tục giấy tờ gì (kiểm tra, sát hạch). Đặc biệt, đối với các trường hợp nghề nghiệp có tính đặc thù, viên chức là cấp phó bổ nhiệm làm cấp trưởng trong đơn vị sự nghiệp công... Điều này góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc điều động, chuyển đổi vị trí công tác, bổ nhiệm viên chức. Đồng thời, bảo đảm sự công bằng trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với công chức, viên chức còn khá cứng nhắc, nặng nề, rập khuôn như hiện nay.

Trường hợp viên chức đang là cấp phó của đơn vị sự nghiệp công lập, nếu để bổ nhiệm làm cấp trưởng (công chức) thì họ phải qua kiểm tra, sát hạch để trở thành công chức trước khi được bổ nhiệm. Như vậy là vô lý, bởi vì tuy cấp phó nhưng họ cũng là lãnh đạo đơn vị, có chức năng quản lý. Và việc bổ nhiệm lên làm cấp trưởng là đương nhiên, hợp lý, vì thế bắt buộc họ phải qua thủ tục kiểm tra, sát hạch là không cần thiết, tốn kém, rườm rà. Chính quy định này mà một số trường hợp phải đi đường vòng để hợp thức hóa. Ví dụ, hiệu phó trường công lập muốn trở thành hiệu trưởng phải điều động lên phòng hoặc lên sở để làm thủ tục trở thành công chức, sau đó quay lại để bổ nhiệm hiệu trưởng.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số thiệt thòi của viên chức cần được xem xét
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO