Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Nô có “quá tay” khi buộc thôi việc giáo viên Lò Văn Nguyên?

Đ.H-P.K| 19/11/2015 09:08

Ông Lò Văn Nguyên là giáo viên dạy tiếng Anh của Trường THCS Buôn Choáh, xã Buôn Choáh (Krông Nô).

ADQuảng cáo

Ngày 2/3/2015, giáo viên này viết đơn gửi Sở Nội vụ, kiến nghị cần kiểm tra và sớm chi trả chế độ cho ông và một số giáo viên khác theo Nghị định số 19/2003/NĐ-CP của Chính phủ đối với giáo viên công tác ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Đơn này do một mình ông Nguyên viết nhưng lại mạo danh và giả chữ ký của 3 giáo viên khác trong trường để lấy danh nghĩa là đơn của nhiều người.

Theo phân cấp quản lý, Sở Nội vụ đã chuyển đơn này để UBND huyện Krông Nô xem xét, giải quyết. Theo đó, ngày 10/6/2015, Hội đồng kỷ luật Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Krông Nô đã họp xét kỷ luật đối với ông Nguyên.

Ngày 15/6/2015, phòng GD-ĐT huyện ra quyết định số 95/QĐ- PGDĐT, buộc thôi việc đối với ông Nguyên kể từ ngày 25/6/2015. Lý do kỷ luật là: “Vi phạm kỷ luật lao động. Giả mạo chữ ký của đồng chí đồng nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm mất uy tín, danh dự, làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng chí, đồng nghiệp. Gây mất đoàn kết nội bộ trong nhà trường một cách nghiêm trọng. Không có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo. Vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo.”   

Sự việc xảy ra, ông Nguyên cho biết đã đứng ra xin lỗi 3 đồng nghiệp mà ông tự ý ký tên của họ, đồng thời chịu mọi trách nhiệm do mình gây ra. Tuy nhiên, ông không ngờ Phòng GD-ĐT lại ra quyết định buộc thôi việc, trong khi đó hành động của ông là chưa đến mức độ như vậy.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Danh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Nô vẫn giữ quan điểm xử lý của Phòng là “đúng người, đúng tội”, không có oan sai. Ông Danh cho rằng: “Việc buộc thôi việc thầy Nguyên nhằm chấn chỉnh tư cách đạo đức nhà giáo của ngành Giáo dục huyện, qua đó, răn đe những trường hợp khác nếu cố tình làm trái quy định”.

ADQuảng cáo

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Huy, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, Trưởng đại diện Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Huy thì vi phạm của ông Nguyên chưa đến mức buộc thôi việc. Đối chiếu quy định tại Điều 13, Nghị định 27/2012/NĐ-CP, ngày 6/4/2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức thì giáo viên Nguyên không phạm vào các hành vi để xem xét buộc thôi việc như: bị phạt tù, nghiện ma túy, tự ý nghỉ việc trên 7 ngày trong một tháng, không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng…

Phòng GD-ĐT huyện Krông Nô lấy lý do gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để đuổi việc đối với ông Nguyên là chưa chính đáng, thiếu căn cứ. Bởi, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở đây phải là có thực, thấy được chứ không chung chung, mơ hồ.

Mặt khác, việc xử lý bằng hình thức thôi việc chỉ áp dụng đối với trường hợp là người không có khả năng giáo dục, chỉnh đốn. Trong khi đó, trường hợp của ông Nguyên vẫn có khả năng giáo dục, chỉnh đốn được, vì ông Nguyên đã thành khẩn nhận lỗi và trách nhiệm của mình.

Xét về hình thức, đơn do ông Nguyên viết chỉ là đơn kiến nghị giải quyết quyền lợi chính đáng được quy định tại Nghị định 19/2003/NĐ-CP của Chính phủ, không tố cáo với mục đích là bôi nhọ, vu khống hay bịa đặt làm tổn hại về uy tín, danh dự, nhân phẩm cá nhân hay tổ chức.

Tuy nhiên, ông Nguyên làm đơn mà chưa có sự ủy quyền hợp pháp của 3 đồng nghiệp là sai phạm. Trong trường hợp này, hình thức xử lý như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc cách chức (nếu có) thì sẽ hợp lý hơn.

Được biết, ông Lò Văn Nguyên là giáo viên trong biên chế, đã công tác hơn 14 năm ở vùng sâu, vùng xa. Phải chăng quyết định kỷ luật buộc thôi việc của Phòng GD-ĐT huyện Krông Nô với ông Nguyên là thấu tình, đạt lý hay đã “quá tay”?

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Nô có “quá tay” khi buộc thôi việc giáo viên Lò Văn Nguyên?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO