Trao đổi xung quanh phản hồi về bài “đánh nhép” chiêng

Tòa soạn| 30/03/2016 09:31

Sau khi Báo Đắk Nông đăng bài viết “Đánh nhép” chiêng phản ánh việc Ban tổ chức lễ hội Xuân Liêng Nung sử dụng âm thanh các bài chiêng đã được ghi âm sẵn để phát trong nghi lễ Sum họp cộng đồng tại Hội Xuân Liêng Nung năm 2016, Báo Đắk Nông đã nhận được ý kiến của UBND thị xã Gia Nghĩa - Ban tổ chức Lễ hội trao đổi về vấn đề này.

ADQuảng cáo

Trong đó thị xã Gia Nghĩa khẳng định: “Việc sử dụng âm thanh thu sẵn bài chiêng ngăn “đón khách” làm nhạc nền là có thật. Chiêng mộc đánh bằng tay có thể lọt thỏm giữa muôn vàn thứ âm thanh khác, trong không gian rộng hàng ngàn người tham gia. Ban tổ chức Hội xuân đã hội ý và thống nhất mở bài chiêng ngăn làm nhạc nền mở song song với hai đội chiêng đánh để phụ cho sân khấu hóa, tái hiện lễ Sum họp cộng đồng nên không thể gọi là “đánh nhép” mà đây là nhạc nền…".

Trước hết, Tòa soạn hoan nghênh sự quan tâm tiếp thu, phản hồi của UBND thị xã Gia Nghĩa - Ban Tổ chức lễ hội Xuân Liêng Nung về nội dung Báo phản ánh.

Tòa soạn xin được trao đổi lại như sau: Ban tổ chức khẳng định việc sử dụng âm thanh thu sẵn bài chiêng ngân “đón khách” làm nhạc nền là có thật, riêng việc này, nếu không cần giải thích gì thêm thì bạn đọc cũng có thể hiểu là đã "đánh nhép" hay không “đánh nhép”. Điều cần nói ở đây có lẽ Ban Tổ chức chưa hiểu đúng hai từ “nhạc nền” nên khẳng định không phải “đánh nhép” là chưa chính xác và những người làm văn hóa cần phải hiểu rõ, hiểu đúng việc này.

ADQuảng cáo

Còn việc “đánh nhép” là thu âm sẵn bài đánh chiêng vào đĩa (hoặc băng), sau đó bật lên ở một chương trình biểu diễn. Trong quá trình biểu diễn, từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc, nghệ nhân cứ đánh “đớp” theo bài chiêng được bật lên từ đĩa đó và nhảy múa như thật. Tuy nhiên, tiếng chiêng ấy, âm thanh phối khí ấy đều đã được các phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại xử lý để loại bỏ tạp âm, “biến hóa” âm thanh trầm – bổng theo ý muốn. Như vậy, có thể coi việc “đánh nhép” chiêng là lừa dối khán giả. Bởi đã đến một chương trình lễ hội, khán giả muốn thưởng thức tiếng chiêng thật, âm thanh thật ngân vang xa để từ đó hiểu hơn về tài năng, trình độ diễn tấu chiêng của những nghệ nhân M’nông chứ không phải muốn xem kỹ thuật, công nghệ xử lý âm thanh hiện đại đến đâu.

Thị xã Gia Nghĩa cũng cho rằng “Đây là tái hiện nghi lễ, sân khấu hóa, không phải nghi lễ thật, không phải cuộc thi, cái cốt là làm sống động, khơi dậy bản sắc văn hóa truyền thống...” và hoàn toàn không vi phạm các quy định của Nhà nước, tỉnh; trong đó có Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu… Tuy nhiên, tại mục d, Điều 6, Chương 1 những quy định cấm, của Nghị định 79/2012/NĐ-CP ghi rõ: Cấm “sử dụng bản ghi âm để thay giọng thật của người biểu diễn hoặc thay âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn”.

Về ý kiến cho rằng bài báo “làm xôn xao dư luận, ảnh hưởng không nhỏ đến sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và chính quyền tỉnh Đắk Nông, sự nỗ lực của ngành văn hóa đã tích cực làm sống lại các hoạt động văn hóa dân gian trong cuộc sống người bản địa”; xin trao đổi như sau: Tỉnh ta đang hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch bền vững thông qua lễ hội, đặc biệt là trong dịp xuân nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của đồng bào các dân tộc về nông nghiệp, văn hóa, ẩm thực, du lịch… Do vậy, việc tổ chức các lễ hội mang tính hình thức, sân khấu hóa nhiều thì sẽ tạo ra sản phẩm du lịch gì cho tỉnh?

Cũng cần nói thêm rằng, tại nhiều lễ hội do thị xã tổ chức, qua theo dõi, tìm hiểu thì trong nhiều lễ hội của dân tộc M'nông hay của bất kỳ dân tộc nào, già làng K’Măng, dân tộc Mạ ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cũng thường đóng vai trò chủ lễ (?). Rõ ràng đây là sự sân khấu hóa không cần thiết, cần phải rút kinh nghiệm nhằm tránh sự đồng hóa, đồng nhất nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc trong quá trình bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa các dân tộc mà chúng ta đang làm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trao đổi xung quanh phản hồi về bài “đánh nhép” chiêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO