Cảnh báo tai nạn đuối nước

Thanh Bình| 17/05/2022 10:00

Từ đầu năm 2022 tới nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy nhiều vụ tai nạn đuối nước, nạn nhân chủ yếu là trẻ em, học sinh. Sự việc trên đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo, nhất là thời điểm các em học sinh bước vào kỳ nghỉ hè.

ADQuảng cáo

Vụ việc và con số đau lòng

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Đắk Nông, trong năm 2021, qua thống kê riêng của phòng thì trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ đuối nước, lực lượng cứu hộ tìm thấy 11 thi thể nạn nhân. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xảy ra 5 vụ đuối nước, làm chết 4 người.

Đáng chú ý, đa số các trường hợp tử vong đều là trẻ em, học sinh. Nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng kể trên là do nạn nhân tự tìm đến vùng sông, suối, các hố sâu chơi đùa, tắm mà không có sự giám sát của người lớn.

Điển hình, chiều 1/3, trên địa bàn xã Đắk Som (Đắk Glong) xảy ra vụ 2 bé gái P.T.B.A (9 tuổi) và P. N.Tr (7 tuổi) trú tại bon B’Dơng bị đuối nước, dẫn đến tử vong. Theo kết luận của cơ quan chức năng, 2 bé gái rủ nhau ra ao nước nhà hàng xóm tắm, nhưng do ao sâu, vách bằng vải bạt không có chỗ bám víu nên bị đuối nước.

Gần đây nhất, vào chiều 1/5, N. Q. D. (18 tuổi), trú tại thôn 5, xã Đắk R’la (Đắk Mil), cùng một số người bạn đi chơi Lễ 30/4 và 1/5 bên sông Sêrêpốk, đoạn qua thôn Đức Lập, xã Đắk Sôr (Krông Nô). Trong lúc vui chơi, N.Q.D. xuống đoạn sông cạnh quán để tắm thì bị đuối nước. Đây là đoạn sông rộng, nhiều đá, khá sâu và nước chảy xiết.

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh tham gia cứu hộ, tìm thi thể nạn nhân N. Q. D. bị đuối nước vào ngày 1/5 tại sông Sêrêpốk (Krông Nô)

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ em hay bị đuối nước được xác định là do thiếu sự giám sát chặt chẽ của người lớn. Đặc biệt, trẻ thiếu kỹ năng bơi lại hay hiếu động, tò mò, thích nghịch nước, hoặc biết bơi nhưng trẻ chủ quan.

Theo thống kê của Sở LĐTB-XH, toàn tỉnh hiện có chưa đầy 30% trẻ trong độ tuổi bậc tiểu học và THCS biết bơi. Đây là một trong những nguyên dân dẫn đến việc gia tăng tình trạng đuối nước ở trẻ em thời gian qua.

ADQuảng cáo

Ngoài ra, môi trường sống của trẻ chưa thật sự an toàn, nhiều gia đình sống gần ao, hồ, sông, suối nhưng không có hàng rào bảo vệ, che chắn, các giếng, bể nước không có nắp đậy…, khiến trẻ dễ bị đuối nước.

Giúp trẻ rèn kỹ năng

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em và Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030.

Để ngăn ngừa, hạn chế trường hợp trẻ bị tử vong do tai nạn đuối nước, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương thường xuyên tăng cường tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ.

Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã tham gia cứu hộ 5 vụ tai nạn đuối nước

Theo Trung tá Phạm Thành Nam, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Đắk Nông, để giảm thiểu tai nạn đuối nước, nhất là trong trẻ em và học sinh, vai trò của gia đình là rất quan trọng. Các bậc cha mẹ cần thường xuyên giám sát con em mình, không để tự tiện vui đùa một mình. Các bậc phụ huynh, nhà trường cần chú ý đến việc dạy bơi và kỹ năng an toàn cho trẻ em. Các em cần trang bị cho mình kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và cách nhận biết vùng nước sâu, nguy hiểm để phòng tránh.

Khi trẻ có kỹ năng ứng phó để tự cứu mình trong những tình huống nguy cấp thì nỗi lo đuối nước sẽ vơi bớt phần nào. Hơn thế nữa, các em cần được trang bị thêm những kỹ năng giúp người bị tai nạn đuối nước như thông báo cho mọi người xung quanh được biết; nếu không có phao cứu sinh, các em có thể ném các vật nổi cho nạn nhân như gậy, dây để hỗ trợ.

Trung tá Phạm Thành Nam cũng cho hay, thời gian qua, đơn vị đã tham mưu và đề nghị các địa phương rà soát các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ tai nạn đuối nước để chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong mùa mưa bão. Các khu dân cư cần làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm... để nhắc nhở và cảnh báo trẻ em.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo tai nạn đuối nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO