Pháp luật

Cuộc sống mới nơi từng xảy ra tranh chấp đất rừng

Thanh Hằng 12/06/2022 14:55

Các tiểu khu 1500 và 1504, xã Quảng Trực (Tuy Đức) giáp với Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước) từng là “điểm nóng” về xung đột, tranh chấp đất rừng. Sau nhiều năm thực hiện liên kết sản xuất, phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giữa người dân và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, cuộc sống tại điểm nóng này đã ổn định, rừng cũng được bảo vệ tốt hơn.

thum-1.jpg
img_2988-copy.jpg
Nguyên Bí thư huyện ủy Tuy Đức K’Bốt (thứ hai từ phải qua) trở lại thăm người dân tiểu khu 1500 và 1504.

Hóa giải xung đột, tranh chấp

Từng chiếc xe máy được trang bị "áo giáp" từ từ đưa chúng tôi theo con đường mòn mà người dân mở để vào tiểu khu 1500 và 1504. Sau cánh rừng già toàn cây bằng lăng lớn hơn vòng tay 3 người ôm, những quả đồi trồng điều của người dân dần hiện ra.

Những cây điều được người dân trồng trên đất quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Công ty Nam Tây Nguyên) phát triển tốt, lá non vươn lên đón nắng. Số điều này được xuống giống từ cuối năm 2018, sau khi 69 hộ dân tại hai tiểu khu được Công ty Nam Tây Nguyên giao đất, cấp cây nhằm tạo thêm sinh kế.

sinh-ke-giu-rung-dak-nong-2022-duong-phong-1.jpg
Ông Điểu Krông (dân tộc M’nông) là một trong số những người lớn tuổi nhất sinh sống tại khu vực này.

Ông Điểu Krông (dân tộc M’nông) là một trong số những người lớn tuổi nhất sinh sống tại khu vực này. Người đàn ông sinh năm 1952 quê gốc ở xã Quảng Trực, sau đó theo bố mẹ đi phát rừng, tỉa lúa rồi định cư tại tiểu khu 1500 từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước cho đến nay.

Dù đã chính thức là công dân của bon Bù R’Nga, xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) nhưng ông Điểu Krông và nhiều hộ dân khác của bon Bù R’Nga và bon Đắk Á vẫn canh tác trên đất đã khai hoang trước đây. Cũng vì lý do này mà sau khi Công ty Nam Tây Nguyên thu hồi toàn bộ diện tích đất vào năm 2013, giữa người dân và chủ rừng liên tục xảy ra xung đột, tranh chấp, thậm chí có những lần dẫn đến đổ máu. 

Ông Điểu Krông nhớ lại, thời điểm đó, tranh chấp diễn ra căng thẳng, triền miên. Chủ rừng thì cho rằng đất của người dân khai phá thuộc quản lý của Nhà nước, trong khi đó người dân lại một mực khẳng định, mảnh đất ấy họ đã sinh sống vài chục năm nay. Giữa hai bên giằng co, cây rừng được trồng xuống chiều ngày hôm trước, đến sáng hôm sau đã bị nhổ bỏ. Suốt mấy năm ròng, đời sống của người dân bấp bênh, khó khăn vì không đủ đất đai sản xuất.

sinh-ke-giu-rung-dak-nong-2022-duong-phong-9.jpg
Suốt mấy năm ròng, đời sống của người dân bấp bênh, khó khăn vì không đủ đất đai sản xuất.

Ông Điểu Krông chỉ tay về phía căn nhà gỗ rộng nhất vùng, nằm cạnh Trạm quản lý bảo vệ rừng của Công ty Nam Tây Nguyên nói: “Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền và làm tốt công tác giao đất, giao rừng, liên kết trồng rừng nên từ năm 2018 đến nay, đời sống của người dân hai bon Bù R’Nga và Đắk Á đã ổn định. Từ chỗ xung đột, tranh chấp gay gắt, mối quan hệ giữa người dân với công ty ngày càng gắn bó, nhờ đó mà rừng đã được quản lý, bảo vệ tốt hơn”.

Đời sống ổn định

Ông Điểu Krông dẫn chúng tôi đi quanh vườn điều rộng hơn 1 ha vừa cho thu hoạch. Điều năm nay mất mùa, nhưng gia đình ông cũng thu được gần 5tạ/ha. Số lợi nhuận thu được, ông tiếp tục đầu tư, chăm sóc những diện tích mới xuống giống, hy vọng khoảng 2 năm nữa, hơn 4 ha điều của gia đình sẽ cho trái ổn định.

sinh-ke-giu-rung-dak-nong-2022-duong-phong-2.jpg
Khoảng 2 năm nữa, hơn 4 ha điều của gia đình ông Điểu Krông sẽ cho trái ổn định.

Ông Điểu Krông cho hay, những năm trước đây, bà con trong vùng chủ yếu trồng điều giống cũ, cây phát triển tốt nhưng chất lượng quả không đồng đều. Được Công ty Nam Tây Nguyên cấp giống, bà con từng bước thay thế vườn điều cũ, từ đó cải thiện được cả chất lượng và sản lượng cây trồng.

“Sau khi các tranh chấp đã được hóa giải, nhất là khi được công ty hỗ trợ nguồn giống chất lượng, người dân yên tâm sản xuất. Đến nay, điều đã được cho thu hoạch, 69 hộ dân đều đủ ăn, đủ mặc nhờ cây điều trồng trên đất của Công ty Nam Tây Nguyên. Không chỉ ti vi, tủ lạnh, nhiều người còn sắm được cả xe máy và máy cày phục vụ đi lại, sản xuất. Tất cả những đứa trẻ đến tuổi đến trường đều được đi học, có cháu đã học đến bậc THPT và phấn đấu vào đại học, một phần học phí có được là nhờ nghề liên kết quản lý, bảo vệ rừng”, ông Điểu Krông nói.

sinh-ke-giu-rung-dak-nong-2022-duong-phong-5.jpg
Tất cả những đứa trẻ đến tuổi đến trường đều được đi học.

Ngoài sản xuất ổn định ở vườn cây liên kết, cộng đồng hai bon Bù R’Nga và Đắk Á còn có thêm nguồn thu nhập từ việc liên kết khai thác mủ cao su của Công ty Nam Tây Nguyên.

Anh Điểu Cương, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước cho biết, hàng tháng anh nhận cạo mủ cho hơn 1 ha cao su của Công ty Nam Tây Nguyên. Công việc bắt đầu từ 3 giờ sáng cho đến 7 giờ sáng mỗi ngày, mang lại cho anh thu nhập hơn 11 triệu đồng/ tháng. Trừ đi chi phí sinh hoạt, ăn uống hằng ngày của hai vợ chồng, anh còn gửi được hơn 5 triệu đồng về cho 2 con đang đi học tại xã Đắk Ơ.

“Sau khi khai thác mủ, hai vợ chồng lại về chăm sóc vườn điều 3 năm tuổi. Nếu sang năm giá mủ cao su và giá điều ổn định như năm nay thì gia đình 4 người chúng tôi sẽ không còn phải lo đến cái ăn, cái mặc như mấy năm trước nữa”, anh Điểu Cương chia sẻ thêm.

file-anh-bai-rung.gif
sinh-ke-giu-rung-dak-nong-2022-duong-phong-7.jpg

Chính nhờ liên kết giữ rừng, mối quan hệ giữa người dân và đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương càng vững chắc hơn !

Gắn kết chủ rừng và người dân

Năm 2018, huyện Tuy Đức thành lập đoàn công tác do Bí thư Huyện ủy K’Bốt dẫn đầu, thường xuyên xuống “điểm nóng” nắm tình hình, đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu các quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ làm tốt công tác dân vận, với phương châm mưa dầm thấm lâu, người dân đã hiểu thực hiện, nhờ đó mà tình trạng xung đột, tranh chấp cũng dần lắng xuống.

sinh-ke-giu-rung-dak-nong-2022-duong-phong-6.jpg
Trạm QLBV rừng của Công ty Nam Tây Nguyên nằm ngay trong vườn điều của các hộ dân.

Ông K’Bốt chia sẻ: “Bà con đang sinh sống tại hai tiểu khu 1500 và 1504 phần lớn đều có gốc gác tại xã Quảng Trực. Biến cố lịch sử cùng phong tục, tập quán, bà con di chuyển tới khu vực này để canh tác, sinh sống, sản xuất ngay trên lâm phần thuộc quản lý của Công ty Nam Tây Nguyên.

Sau khi nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, các bên đã ngồi lại với nhau, tìm ra cách giải quyết hợp tình, hợp lý nhất. Chính nhờ liên kết giữ rừng, mối quan hệ giữa người dân và đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương càng vững chắc hơn, minh chứng rõ ràng nhất là gần 5 năm qua, không còn xung đột, tình hình an ninh trật tự tại hai tiểu khu được giữ vững”.

Được biết, với mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phát triển kinh tế, ổn định đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, năm 2018, Công ty Nam Tây Nguyên đã xin chủ trương và mạnh dạn liên kết với 69 hộ dân trồng rừng kinh tế, với diện tích 87 ha. Đến nay, toàn bộ diện tích liên kết trồng rừng đã được phủ xanh toàn bộ bằng cây điều, trong đó nhiều diện tích đã bắt đầu cho thu bói, năng suất đạt 5 tạ/ha.

Ngoài liên kết trồng rừng kinh tế, công ty còn giao 500 ha rừng cho cộng đồng 2 bon Bù R’Nga, Đắk Á quản lý, bảo vệ, với tiền dịch vụ môi trường rừng người dân được hưởng là 150 triệu đồng/năm.

sinh-ke-giu-rung-dak-nong-2022-duong-phong-8.jpg
Người dân 2 bon tham gia quản lý, bảo vệ hơn 500 ha rừng.

Ông Phạm Hòa Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cho hay, thời gian đầu khi thực hiện liên kết trồng rừng kinh tế gắn với quản lý bảo vệ rừng, bà con vẫn chưa có kinh nghiệm, những năm đầu vẫn xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép. Tuy nhiên nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, cán bộ và nhân viên của công ty cùng ăn, cùng ở với người dân, công tác quản lý và bảo vệ rừng đã tốt lên theo từng năm. Đặc biệt, với những hộ dân khó khăn, đơn vị chủ rừng sẵn sàng hỗ trợ nguồn giống, kinh phí để bà con yên tâm với công việc.

Hy vọng sự gắn kết, phối hợp giữa người dân với công ty, rừng tại 2 tiểu khu 1500, 1504 sẽ được quản lý, bảo vệ ngày càng tốt hơn.

sinh-ke-giu-rung-dak-nong-2022-duong-phong-3.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc sống mới nơi từng xảy ra tranh chấp đất rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO