Hạn chế khiếu kiện phải bắt đầu từ cơ sở

Nguyễn Hiền| 01/12/2021 08:13

Tại cuộc họp thẩm tra mới đây của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, các đại biểu đã chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) có xu hướng gia tăng và kéo dài.

ADQuảng cáo

Làm rõ nguyên nhân

Theo thống kê của UBND tỉnh, trong năm 2021, toàn tỉnh có 3.984 đơn KNTC, tăng 404 đơn so với năm 2020. Mặc dù số đơn đã được xử lý chiếm tỷ lệ cao, lên đến 3.900 đơn nhưng qua đó cho thấy các vụ việc KNTC gia tăng là điều đáng quan tâm.

Qua phân tích, nội dung đơn KNTC chủ yếu liên quan đến việc bồi thường và hỗ trợ tại một số dự án thu hồi đất và tranh chấp đất đai, với nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan.

Nguyên nhân khách quan chủ yếu là do chính sách, pháp luật về đất đai chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi. Điển hình nhất là các trường hợp trực tiếp tác động đến môi trường và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân, phát sinh khiếu kiện như liên quan đến các công trình thủy điện, thủy lợi, dự án khai thác quặng, dự án điện năng lượng mặt trời...

Nguyên nhân chủ quan được xác định là do chính quyền địa phương một số nơi chưa làm tốt trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, chưa giải thích, vận động, hòa giải, xử lý, giải quyết kịp thời, dứt điểm các đơn thư, các vụ khiếu kiện mới phát sinh, dẫn đến tích tụ, bức xúc. Công tác phân loại, xử lý đơn còn sai sót. Công tác quản lý đất đai, xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa đúng quy định. Một số địa phương chưa thực hiện tốt việc công khai minh bạch trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng. Một số nơi chưa xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm, xâm canh, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Việc chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân, nhất là trong quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng chưa nghiêm. Việc giải quyết một số vụ việc KNTC, kiến nghị, phản ánh tại một số địa phương còn chậm, chưa dứt điểm.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tính chất vụ việc phức tạp, phát sinh từ nhiều năm trước nhưng không kịp thời phát hiện, xử lý, đòi hỏi phải xem xét, xác minh mất nhiều thời gian. Trong khi đó, các cấp, các ngành, các địa phương chưa thật sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc giải quyết vụ việc đến kết quả cuối cùng cũng như trách nhiệm của người đứng đầu còn hạn chế.

Đừng để "trên nóng dưới lạnh"

ADQuảng cáo

Tại cuộc họp thẩm tra mới đây của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, các đại biểu cho rằng cần nghiêm túc xem xét kỹ tình trạng đơn thư, khiếu kiện ngày càng tăng như hiện nay.

Ông Lê Quốc Đông, Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đặt câu hỏi, tại sao khi triển khai các dự án liên quan thu hồi đất đều báo cáo có thực hiện lấy ý kiến người dân, nhưng khi phê duyệt xong, triển khai thì người dân lại ý kiến, kiến nghị. Vậy nguyên nhân sâu xa nằm ở đâu, các đơn vị liên quan cần xem lại công tác vận động quần chúng. Thời gian qua, nhiều vụ việc, lãnh đạo tỉnh phải đích thân đứng ra giải quyết nên mới dứt điểm. Tuy nhiên,  số vụ việc vẫn ở cơ sở tăng nhiều và chiều hướng phức tạp hơn. Các cấp chính quyền cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, không để tình trạng "trên nóng dưới lạnh" như hiện nay.

Ông Tạ Đình Đề, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nhấn mạnh, để giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài thì nên quy định rõ thời gian giải quyết vụ việc, xác định rõ nguyên nhân sâu xa từ đâu. Tình trạng đơn thư khiếu kiện kéo dài một phần là do chưa có tiếng nói chung, nên cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các đơn vị liên quan như tòa án, tư pháp... Nếu vấn đề giải quyết tại địa phương chưa được thì trình lên cấp có thẩm quyền cao hơn, vì càng để kéo dài sẽ làm ảnh hưởng, khó khăn cho cả người dân lẫn cơ quan chức năng.  

Ông Tạ Đình Đề, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho rằng cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết các vụ việc KNTC

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Ông Tạ Đình Đề cũng cho rằng, việc tăng cường trách nhiệm người đứng đầu đóng vai trò quan trọng trong xử lý dứt điểm các vụ, việc. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục kích hoạt lại các tổ tư vấn, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, tích cực hướng dẫn hoạt động KNTC tại cơ sở. Hệ thống hành chính cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc giải quyết. Các tổ hòa giải ở cơ sở nếu được kích hoạt tốt sẽ kịp thời giải quyết được rất nhiều mâu thuẫn ngay từ đầu, tránh đơn thư KNTC vượt cấp, kéo dài.

Đồng quan điểm với các đại biểu, ông Nguyễn Ngọc Khoa, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, thời gian tới, công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội sẽ được đẩy mạnh và việc thực hiện chính sách an sinh xã hội liên quan đến dịch bệnh Covid-19 có thể dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Vì vậy, dự báo tình hình KNTC, phản ánh, kiến nghị của công dân sẽ tiếp tục phát sinh. Các đơn vị cần rút kinh nghiệm, triển khai nghiêm túc các giải pháp nhằm hạn chế số lượng đơn thư KNTC, nhất là không để tình trạng kéo dài như thời gian vừa qua.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế khiếu kiện phải bắt đầu từ cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO