Loay hoay việc quản lý san múc đất (kỳ 2): Xử lý vi phạm chưa hiệu quả

Lê Phước| 15/07/2021 09:01

Nhiều vụ san múc đất trái phép quy mô lớn, diễn ra rầm rộ, nhưng điểm chung là đều chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời. Nhiều đối tượng ngang nhiên vi phạm, còn các cơ quan quản lý Nhà nước dường như đang phải "chạy theo".

ADQuảng cáo

Xử lý không xuể

Từ đầu năm 2021 tới nay, tại phường Quảng Thành (Gia Nghĩa) xuất hiện nhiều điểm cải tạo, san lấp mặt bằng. Một số quả đồi khá lớn cả ngàn m2 đã được san phẳng để tạo mặt bằng. Nhiều khu đất có nguồn gốc nông nghiệp được san gạt, cải tạo để xây dựng hồ bơi, công trình phụ trợ và trồng các cây xanh lớn.

Một điểm san lấp mặt bằng quy mô lớn tại phường Quảng Thành (Gia Nghĩa)

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Thành Dương Hồng Quân, gần đây, tình trạng san lấp đất trên địa bàn xuất hiện rất nhiều. “Một số đối tượng lợi dụng việc cải tạo đất nông nghiệp, làm đường… để san lấp mặt bằng trái phép. Chúng tôi đã lập biên bản và xử phạt hành chính nhiều trường hợp. Tuy nhiên, việc san lấp vẫn đang tiếp tục diễn ra”, ông Quân thông tin.

Phòng TN&MT thành phố Gia Nghĩa nhận định, việc san lấp mặt bằng, xây dựng trái phép của tổ chức, cá nhân thời gian qua diễn ra thường xuyên, liên tục.

Nhiều trường hợp đã bị xử phạt nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi đến cùng. Nguyên nhân là do giá đất thị trường tăng, nên các đối tượng vì lợi ích cá nhân bất chấp quy định của pháp luật.

Cùng quan điểm trên, Phó Trưởng Phòng TN&MT huyện Đắk R’lấp Phạm Văn Hậu cho rằng, vi phạm san lấp đất diễn ra ngày càng nhiều. Các đối tượng thường lợi dụng ban đêm hoặc ngày nghỉ để san lấp đất trái phép.

Tình trạng này gần đây diễn ra rất thường xuyên khiến đơn vị rất áp lực. Cán bộ cơ sở thậm chí không dám tắt điện thoại ngoài giờ làm việc vì thường xuyên nhận được tin báo. "Nhiều vụ việc, chúng tôi đến kiểm tra thì họ dừng. Khi chúng tôi đi là lập tức hoạt động trái phép trở lại”, ông Hậu cho hay.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Gia Nghĩa Thạch Cảnh Tịnh, mặc dù đã tăng cường công tác ngăn chặn, xử lý nhưng các vụ vi phạm san lấp vẫn diễn ra. Áp lực về xử lý san lấp mặt bằng trong thời gian qua tại thành phố là rất lớn.

Các vụ vi phạm diễn ra nhiều và tinh vi, lén lút, gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong quá trình xử lý. "Thực sự, chúng tôi đang phải "chạy theo" các thông tin vi phạm san lấp để ngăn chặn”, ông Tịnh chia sẻ.

Thời gian gần đây, tình trạng san lấp mặt bằng và xây dựng các công trình trái phép diễn ra khá nhiều trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa

ADQuảng cáo

“Bất lực” hay thiếu thuốc đặc trị?

Cũng theo Phó Trưởng Phòng TN&MT huyện Đắk R’lấp Phạm Văn Hậu, có nhiều vụ việc mặc dù chính quyền địa phương phát hiện từ khá sớm nhưng gặp khó trong xử lý. Khi cơ quan chức năng bắt quả tang, các đối tượng múc đất tắt máy và lập tức rời khỏi hiện trường.

Cơ quan chức năng muốn thu giữ tang vật (máy múc-PV) vi phạm thì phải tiến hành niêm phong, đưa về trụ sở. Nhưng các cơ quan Nhà nước không có thiết bị chuyên dùng để chở tang vật về.

“Chúng tôi đã liên hệ nhiều đơn vị bên ngoài để thuê phương tiện chở tang vật về trụ sở. Nhưng phần lớn họ đều từ chối vì quen biết với nhau cả (đối tượng vi phạm-P.V)”, ông Hậu cho biết.

Thiếu nhân lực, vật lực, nên chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm. Nhiều vụ san lấp mặt bằng chỉ dừng lại ở việc ngăn chặn. Việc giữ hiện trạng cũng rất khó vì các đối tượng san lấp cố tình thực hiện hành vi vi phạm đến cùng.

Theo Nghị định 91/2019, hành vi hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Hành vi này bị xử phạt hành chính và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Một vấn đề đáng quan tâm là việc chấp hành quyết định xử phạt hành chính của chính quyền địa phương. Theo số liệu của Phòng TN&MT thành phố Gia Nghĩa, trong số 39 trường hợp bị xử phạt hành chính vì san lấp mặt bằng, xây dựng trái phép thì chỉ có 22 trường hợp chấp hành. Có 17 trường hợp chưa chấp hành nộp phạt với số tiền 212,3 triệu đồng.

Không chấp hành nộp phạt hành chính, các đối tượng còn không chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả của cơ quan Nhà nước. Mặc dù Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông đã ban hành hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi san lấp, đào đắp đất, san lấp mặt bằng trái phép nhưng việc triển khai của các địa phương còn lúng túng, chưa bám sát quy định.

Đến nay, hầu hết các vụ vi phạm san lấp mặt bằng bị xử phạt vì hành vi hủy hoại đất đều không khắc phục được hậu quả. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Gia Nghĩa Thạch Cảnh Tịnh, việc xử phạt hành chính nhưng không thể buộc đối tượng vi phạm chấp hành và khôi phục hiện trạng đã làm giảm hiệu lực quản lý Nhà nước của chính quyền.

Tại Gia Nghĩa, một số đối tượng vi phạm san lấp mặt bằng nhiều lần, “cố đấm ăn xôi”. Chính quyền địa phương “bất lực” với nhiều đối tượng nên đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xử lý.

>>Kỳ 3: Nên cấm hay "cởi trói"?

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loay hoay việc quản lý san múc đất (kỳ 2): Xử lý vi phạm chưa hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO