Loay hoay việc quản lý san múc đất (kỳ 3): Nên cấm hay "cởi trói"?

Lê Phước| 19/07/2021 08:36

Nhu cầu san lấp, cải tạo mặt bằng hiện nay là rất lớn, nhưng những quy định về lĩnh vực này chưa bám sát với tình hình thực tế địa phương. Điều này đã gây ra những vướng mắc, phiền toái cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai, cũng như nhu cầu phát triển của người dân.

ADQuảng cáo

Bất cập giữa thực tế với quản lý

Gia Nghĩa nói riêng và một số huyện nói chung đều có địa hình đồi, dốc rất lớn. Quá trình phát triển hạ tầng đã khiến cho cao độ các thửa đất chênh lệch rất nhiều so với đường giao thông.

Một điểm san lấp mặt bằng quy mô lớn tại xã  Đắk Nia  (Gia Nghĩa)

Nếu giữ nguyên hiện trạng, nhiều thửa đất sẽ rất khó khăn trong việc canh tác, sử dụng. Người dân muốn cải tạo để sản xuất nông nghiệp hoặc xây dựng nhà cửa thì buộc phải cải tạo nền đất. Đây là nhu cầu thực tế của người dân hiện nay.

Luật Khoáng sản cho phép các hộ gia đình, cá nhân được giao sử dụng đất ở, đất nông nghiệp được phép khai thác đất (làm vật liệu xây dựng thông thường) để sử dụng san lấp mặt bằng trong diện tích được giao. Điều này có nghĩa là trong cùng 1 thửa đất, người dân được đưa đất từ chỗ cao để san lấp cho chỗ thấp.

Nhưng trên thực tế, không phải thửa đất nào cũng có chỗ để san và có chỗ để lấp. Nhiều tuyến đường xuyên qua đồi núi, tạo thành 2 bên taluy âm và dương rõ rệt. Muốn cải tạo đất ở taluy dương, người dân phải đào đất lên và ngược lại, taluy âm sẽ cần được đổ đất.

Người dân muốn cải tạo đất bên taluy dương của đường thì buộc phải đào đất đổ đi. Nhưng đất được múc, vận chuyển ra ngoài khu đất là vi phạm quy định pháp luật về khoáng sản.

Còn đối với những thửa đất bên taluy âm, cần rất nhiều đất để san lấp. Nhưng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện chưa có khu vực nào được cấp mỏ khai thác đất làm vật liệu san lấp.

Theo Trưởng Phòng TN&MT huyện Đắk Song Đồng Văn Giáp, nhu cầu thực tế của người dân trong việc san lấp mặt bằng là rất lớn. Tuy nhiên, quy định của pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp này.

Theo Nghị định 91/2019 của Chính phủ, các hành vi san lấp mặt bằng được xác định là “hủy hoại đất” và không được phép thực hiện. Quy định là vậy, nhưng do nhu cầu cao của người dân đã dẫn đến tình trạng san múc đất trái phép tràn lan. Bằng các cách thức khác nhau, những đối tượng khai thác trái phép lén lút thực hiện hành vi của mình. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai và làm phát sinh rất nhiều vấn đề bức xúc.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Đắk Nông Ngô Chí Trung phân tích: Họ đào trộm, đổ trộm nên rất khó quản lý. Không quản lý được việc đào đắp thì tài nguyên (đất làm vật liệu san lấp) bị thất thoát, Nhà nước thất thu thuế. Việc vận chuyển đất còn gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường và làm hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông. Đáng lo ngại là cảnh quan bị phá vỡ nghiêm trọng và có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, mất an toàn.

Cần thêm những hướng dẫn cụ thể

Ngày 21/5/2021, Sở TN&MT Đắk Nông ban hành hướng dẫn quản lý và sử dụng đất dôi dư khi hộ gia đình, cá nhân đào đắp, san gạt cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh.

Trong văn bản này, Sở TN&MT xác định nguyên tắc đào đắp, san gạt cải tạo mặt bằng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy định khác có liên quan.

Việc san gạt, đào đắp không làm thay đổi mục đích sử dụng đất, không gây tác động xấu đến môi trường… Khi tiến hành san lấp, người dân phải tuân thủ quy định của pháp luật và phải thông báo cho chính quyền địa phương biết để quản lý, giám sát.

ADQuảng cáo

Sở TN&MT hướng dẫn các địa phương tổ chức quy hoạch bãi thải để người dân đổ đất dôi dư trong quá trình cải tạo. Các hành vi lợi dụng việc đào đắp, san gạt cải tạo mặt bằng để mua bán, kinh doanh đất làm vật liệu san lấp hoàn toàn bị nghiêm cấm.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Ngô Chí Trung, sau khi xây dựng được bãi thải, các địa phương sẽ có nguồn đất dôi dư để làm vật liệu san lấp. Bãi thải sẽ làm nhiệm vụ trung chuyển, ai có đất dư mang đến và ai cần thì đăng ký mua. Việc quản lý, vận hành các bãi thải sẽ giúp các địa phương quản lý tốt hơn việc san lấp và thu được thuế.

Ngày 16/6/2021, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Quyết định 09 Quy định mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. UBND tỉnh quy định, phải thực hiện san lấp lại độ cao ban đầu nếu có thể bảo đảm an toàn. Trong trường hợp nguy hiểm cho người và các công trình xung quanh thì phải có biện pháp đưa diện tích hủy hoại về trạng thái an toàn. Riêng đối với trường hợp san lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước… thì buộc phải trả lại hiện trạng ban đầu.

Đây là văn bản đầu tiên của Sở TN&MT Đắk Nông hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân liên quan đến việc san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, văn bản này được các địa phương đánh giá là chưa sát với thực tế và nhu cầu của người dân.

Bởi vì văn bản mới chỉ tập trung hướng dẫn việc quản lý đất dôi dư khi san lấp. Đối tượng tiếp cận của hướng dẫn còn hẹp, mang tính chất chung chung.

Theo Trưởng Phòng TN&MT Đắk Song Đồng Văn Giáp, các đối tượng làm dự án, lợi dụng việc san lấp để phân lô bán nền, trục lợi… thì phải xử lý nghiêm. Nhưng việc người dân san lấp, cải tạo mặt bằng để thuận lợi cho việc sinh sống, canh tác thì phải có hướng dẫn trình tự cụ thể. Đây là căn cơ để người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Tiếp tục tạo "hành lang pháp lý"

Nghị định 91/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai lần đầu tiên quy định rõ hành vi hủy hoại đất. Theo đó, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Các hành vi hủy hoại đất bao gồm: làm biến dạng địa hình; làm suy giảm chất lượng đất; gây ô nhiễm đất… và bị nghiêm cấm.

Cần có những quy định cụ thể để quản lý tốt hơn vấn đề san lấp mặt bằng tại Đắk Nông

Sau khi Nghị định 91/2019 có hiệu lực, tỉnh Đắk Nông đã có căn cứ xử lý các hành vi san lấp mặt bằng. Tỉnh đã áp dụng xử lý hành chính hành vi hủy hoại đất đối với nhiều trường hợp san lấp mặt bằng trái phép.
Tuy nhiên, việc áp dụng hành vi hủy hoại đất đối với một số trường hợp hộ gia đình, cá nhân thực hiện san lấp, cải tạo mặt bằng được cho là chưa phù hợp.

Bởi Đắk Nông có địa hình chia cắt mạnh. Để sinh sống, canh tác, người dân phải cải tạo mặt bằng. Việc cải tạo đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là nhu cầu chính đáng và được pháp luật cho phép (điều 9, Luật Đất đai 2013).

Mặt khác, các cơ quan Nhà nước hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn người dân thực hiện san lấp, cải tạo mặt bằng. Người dân muốn cải tạo mặt bằng theo đúng luật nhưng không được hướng dẫn và không được cấp phép.

Bất cập này đã khiến nhiều người dân trở thành đối tượng vi phạm. Và lợi dụng “lỗ hổng” này, nhiều đối tượng đã san múc đất quy mô lớn, chấp nhận chịu phạt để thực hiện mục tiêu của mình. Từ đó, làm xuất hiện các vụ việc làm biến dạng địa hình để trục lợi, đẩy giá bất động sản lên cao.

Lúng túng trong quản lý, xử lý san múc mặt bằng là vấn đề chung của các cấp chính quyền tại Đắk Nông. Được biết, UBND tỉnh Đắk Nông dự kiến sẽ ban hành quy định về quản lý, khai thác và sử dụng đất san lấp sau khi cải tạo mặt bằng trên địa bàn. Thế nhưng trong quá trình triển khai, ý tưởng này đã "chết yểu" do bị Trung ương “tuýt còi” vì làm phát sinh thủ tục hành chính.

Thực tế, nhu cầu san lấp mặt bằng, cải tạo đất trên địa bàn tỉnh là rất lớn và phù hợp với tình hình phát triển chung. Do đó, thay vì cấm, chúng ta cần nghiên cứu và ban hành chính sách để "cởi trói" cho vấn đề này. Từ đó, giúp cho các địa phương quản lý tốt hơn việc san múc, cải tạo mặt bằng trong thời gian tới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loay hoay việc quản lý san múc đất (kỳ 3): Nên cấm hay "cởi trói"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO