Tội phạm ma túy ở Đắk Nông diễn biến phức tạp

Hoàng Thanh| 30/03/2022 08:38

Mặc dù cơ quan chức năng, các địa phương có nhiều nỗ lực trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy nhưng tội phạm về ma túy vẫn còn gia tăng, diễn biến phức tạp.

ADQuảng cáo

Người nghiện ngoài cộng đồng tăng

Toàn tỉnh hiện có hơn 1.216 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 489 người so với năm 2020. Trong đó, 943 người nghiện ngoài cộng đồng, chiếm 77,5%; số người nghiện tại các trung tâm chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội 70 người, chiếm 5,75%; số trong nhà tạm giam, tạm giữ là 188 người chiếm 15,46%.

Qua rà soát, thống kê và phân loại, trên địa bàn toàn tỉnh có 3/71 địa bàn cấp xã không có tệ nạn ma túy, 68/71 địa bàn còn lại có tệ nạn ma túy; trong đó có 1 địa bàn trọng điểm loại 2 và 6 địa bàn trọng điểm loại 3. Trên thực tế, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý chưa phản ánh được hết tình hình ma túy trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp. Nguyên nhân một phần là do hiện nay, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mới chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, chưa có cơ chế quản lý hiệu quả, nên đã gây ra tình trạng mất an ninh, trật tự (ANTT) nghiêm trọng ở nhiều nơi, đặc biệt gia tăng số vụ chống người thi hành công vụ.

Theo cơ quan chức năng, vài năm trở lại đây, nhiều đối tượng sử dụng ma túy thuộc nhóm Opiats (thuốc phiện, heroin) có xu hướng sử dụng song song hoặc chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp, phần lớn là ma túy đá (Methamphetamine). Độ tuổi người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng trẻ hóa.

Bên cạnh đó, các loại hình kinh doanh có điều kiện về ANTT (quán bar, karaoke...) phát triển nhanh chóng, kéo theo số người trẻ sử dụng trái phép chất ma túy, gây nhiều hệ lụy nguy hiểm cho xã hội. Những năm gần đây, lực lượng công an đã bắt giữ, truy tố nhiều vụ chủ quán karaoke chứa chấp, thậm chí tham gia “bay, lắc” với nhiều thanh niên tại nhiều địa bàn trong tỉnh Đắk Nông.

Công an huyện Tuy Đức bắt giữ các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy

Tỷ lệ tội phạm liên quan đến ma túy còn cao

Trước tình trạng người sử dụng và người nghiện ma túy ngày càng gia tăng, công tác tuyên truyền đến người dân về các thủ đoạn của các đối tượng buôn bán trái phép chất ma túy được đẩy mạnh. Mặc dù vậy, tỷ lệ tội phạm về ma túy vẫn còn cao so với năm trước đó.

ADQuảng cáo

Trong năm 2021, lực lượng công an tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, chuyên án đấu tranh với tội phạm ma túy, qua đó phát hiện, bắt 187 vụ, 312 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (số vụ tăng 3,33% so với năm 2020).

Số lượng ma túy thu được ngày càng lớn so với thời gian trước. Nổi lên là tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy trong vùng đồng bào Mông (8 vụ, 12 đối tượng, thu giữ 14 bánh heroin, hơn 4,5 kg ma túy đá). Bên cạnh đó hành vi trồng cây có chứa chất ma túy (cần sa) trái phép có dấu hiệu phức tạp.

Trong năm 2021, lực lượng công an tỉnh đã phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương lập hồ sơ đưa 78 trường hợp đi cai nghiện bắt buộc, 211 trường hợp giáo dục tại gia đình, cộng đồng. Việc này đã hạn chế được những vụ việc mà đối tượng nghiện ngập có thể vi phạm pháp luật.

Ngăn chặn và yêu cầu cộng đồng trách nhiệm

Theo Trung tá Đinh Công Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Đắk Nông, mặc dù công tác cai nghiện ma túy đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý sau cai nghiện, nhất là sau khi đối tượng hoàn thành chương trình cai nghiện và trở về với cộng đồng. Trên thực tế, phần lớn các đối tượng sau khi cai nghiện trở về địa phương đều không báo cáo với chính quyền cơ sở để quản lý. Vì vậy, công tác quản lý đối tượng sau cai nghiện gặp không ít khó khăn.

Hiện tại, cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh chủ yếu thực hiện công tác cai nghiện bắt buộc, không có chức năng quản lý sau cai. Các đối tượng cai nghiện đều được học nghề, lao động trị liệu, phục hồi và được tư vấn trước khi hòa nhập cộng đồng. Thế nhưng, trên thực tế sau khi trở về với cộng đồng cơ hội tìm việc làm của họ bị thu hẹp, tâm lý mặc cảm khiến cho việc hòa nhập thực sự khó khăn, dẫn đến gia tăng tỷ lệ tái nghiện.

Bên cạnh đó, việc số đối tượng đã có quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng chưa thi hành do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên tiếp tục ở ngoài xã hội phần nào làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT trật tự tại địa phương, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Để nâng cao chất lượng công tác quản lý người nghiện, góp phần phòng ngừa tội phạm, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng công an các cấp chủ động nắm tình hình, bám địa bàn, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy. Lực lượng công an cơ sở phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, gắn với thuyết phục để tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức của toàn dân và chính những người có liên quan đến ma túy.

Ngoài ra, cùng với lực lượng công an, các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng để tránh sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma túy; kịp thời đề xuất với tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, nhất là vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay vốn phát triển kinh tế... giúp người nghiện có điều kiện ổn định cuộc sống, quyết tâm hơn trong việc cai nghiện, từ bỏ ma túy, tái hòa nhập cộng đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tội phạm ma túy ở Đắk Nông diễn biến phức tạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO