Xóa bỏ “điểm đen” là yêu cầu cấp thiết

Thanh Bình| 19/05/2022 07:15

Những năm gần đây, các phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh gia tăng không ngừng, trong khi hạ tầng về giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, nên nảy sinh nhiều bất cập trong việc tổ chức giao thông, tạo thành những “điểm đen”, điểm phức tạp về giao thông.

ADQuảng cáo

Theo số liệu thống kê của Sở GT-VT, toàn tỉnh hiện đang có hơn 200 km quốc lộ 14, 28 và 6 tỉnh lộ với 250 km, cùng hàng ngàn km đường giao thông nông thôn. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng trên 40.000 phương tiện cơ giới; trong đó trên 4.000 ô tô, còn lại là mô tô, xe máy.

Phần lớn các “điểm đen” hình thành ở vị trí, điểm đấu nối giữa các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Có những “điểm đen” xuất hiện tại các ngã ba, ngã tư - nơi có mật độ người tham gia giao thông đông, va chạm giao thông thường xuyên diễn ra nhưng lại không có đèn tín hiệu chỉ huy giao thông, hoặc không có biển báo cảnh báo nguy hiểm. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên các vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trong thời gian qua.

Theo thống kê, trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh xảy ra 61 vụ TNGT làm chết 36 người, bị thương 41 người. Đáng chú ý, trong số 61 vụ TNGT thì có tới 44 vụ xảy ra trên quốc lộ (chiếm 72,1%).

Nút giao thông đường tránh Gia Nghĩa và quốc lộ 14 là một trong những "điểm đen" về TNGT

Thời gian qua, trên thực tế, công tác phối hợp khắc phục bất cập trong hạ tầng giao thông, nhất là những “điểm đen” còn chậm. Việc xác định tiêu chí của “điểm đen”, thu thập thông tin về TNGT còn khó khăn. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT mà còn gây bức xúc, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn của người tham gia giao thông.

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở GT-VT và UBND các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan thường xuyên thực hiện kiểm tra, rà soát, đề xuất các giải pháp xóa bỏ “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Theo ông Phạm Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở GT-VT, căn cứ vào hiện trạng, ý kiến phản ánh của người dân, Sở đã và đang phối hợp với các cấp, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm hướng đến giải quyết dứt điểm các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Trong đó, ngành tập trung rà soát toàn bộ hệ thống biển báo hiệu giao thông tại các điểm có nguy cơ tiềm ẩn TNGT, đề xuất các đơn vị quản lý đường bộ tiến hành sửa chữa, thay thế, nâng cấp, để phục vụ tốt hơn việc đi lại của người dân.

Qua rà soát trên quốc lộ 14 hiện có 31 vị trí và quốc lộ 28 có 20 vị trí tiềm ẩn về TNGT, chưa kể các tỉnh lộ. Đến nay, ngành chức năng đã tiến hành lắp đặt thêm 1 hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên quốc lộ 28, vị trí ở xã Nam Đà (Krông Nô); 8 đèn chớp vàng cảnh báo nguy hiểm tại 3 nút giao thông ở các huyện Đắk R’lấp và Tuy Đức; 17 gương cầu lồi, 6 bảng cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí cong, che khuất tầm nhìn trên quốc lộ 28 và tỉnh lộ 4B.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, qua phân tích nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT trên địa bàn tỉnh thời gian qua, bên cạnh ý thức chủ quan của người tham gia giao thông một phần là do việc bố trí hạ tầng giao thông chưa hợp lý. Hiện tại, nhiều nút giao thông nguy hiểm trên các tuyến tỉnh lộ, đường liên huyện, xã chưa được lắp đặt các bảng cảnh báo, đèn cảnh báo hay gờ giảm tốc… Hơn nữa, hiện nay các tỉnh lộ có quy mô 2 làn xe chỉ chiếm 28% nên việc giao thông gặp nguy hiểm, nhất là vào ban đêm.

Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã quan tâm, nỗ lực trong việc xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT trên các tuyến đường trong tỉnh theo phản ánh của người dân và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên các tuyến đường vẫn còn tồn tại không ít điểm bất cập, thiếu sót trong công tác tổ chức giao thông cần sớm được tháo gỡ, xử lý.

Việc xóa bỏ “điểm đen” một cách bền vững là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Bên cạnh đó, để hạn chế TNGT, người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông trên đường. Bản thân người tham gia giao thông khi phát hiện các điểm nguy hiểm trên đường có khả năng gây TNGT, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời cảnh báo, khắc phục.

Khi tham gia giao thông tại những nơi có biển cảnh báo thường xảy ra TNGT, đường cong, người dân cần phải giảm tốc độ để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông khác.

Lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát tại các khu vực thường xuyên xảy ra TNGT để hạn chế thấp nhất TNGT đáng tiếc xảy ra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa bỏ “điểm đen” là yêu cầu cấp thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO