Xúc tiến xử lý ảnh hưởng do thi công điện gió

Lê Phước| 08/06/2021 09:10

Một số hộ dân ở xã Thuận Hạnh (Đắk Song) phản ánh việc thi công các trụ điện gió đã làm rạn nứt nhà của dân. Trước tình hình đó, chính quyền và chủ đầu tư đã có những động thái xử lý.

ADQuảng cáo

Hiện trạng ở một số nhà dân

Gia đình ông Trần Văn Thản, ở thôn Thuận Bắc, xã Thuận Hạnh, có 2 ha cà phê và tiêu. Năm 2016, trên diện tích đất này, ông Thản xây dựng một căn nhà rộng hơn 150m2 với trị giá trên 1 tỷ đồng.

Nhà của ông Trần Văn Thản, xã Thuận Hạnh xuất hiện nhiều vết nứt

Cuối tháng 4/2021, việc thi công trụ điện gió cách đó không xa đã tác động đến gia đình ông. “Họ đóng cọc cách căn nhà không xa đã gây ra những rung chấn lớn.

Vào khoảng ngày thứ 5 từ khi họ thi công, căn nhà tôi xuất hiện nhiều vết nứt dọc ngang tường. Nhiều nhà cũng bị ảnh hưởng tương tự, nên chúng tôi đã lên yêu cầu ngừng thi công để bồi thường”, ông Thản cho hay.

Cách nhà ông Thản không xa, bà Đỗ Thị Hà rất bức xúc về việc thi công trụ điện gió làm nứt nhà mình. Theo bà Hà, căn nhà đã được xây dựng khoảng 3 năm với giá 600 triệu đồng. Nhưng từ khi nhà thầu tiến hành đóng cọc làm trụ điện gió, tường nhà của nhiều người bị nứt thành các vệt dài.

Bà Hà cho biết: "Chúng tôi yêu cầu dừng thi công, giữ nguyên hiện trạng. 6 hộ dân bị ảnh hưởng lớn đã gửi đơn lên các cơ quan chức năng".

Người dân cho rằng các vết nứt là do ảnh hưởng thi công turbine điện gió

Bị ảnh hưởng rõ nét nhất trong số các hộ dân ở thôn Thuận Bắc là nhà của ông Nguyễn Phi Hùng. Nhà của gia đình ông Hùng được xây dựng theo mái Thái đẹp, kiên cố, rộng hơn 200m2, trị giá hàng tỷ đồng.

Gần đây, do thi công điện gió, tường trong nhà ông Hùng xuất hiện các vết nứt khá dài. Rất nhiều gạch men ốp tường rạn nứt chi chít. Dầm căn nhà cũng xuất hiện các vết nứt gãy.

Theo ông Hùng, trước khi thi công, chủ đầu tư đã đến quay phim, chụp ảnh hiện trạng nhà cửa của các hộ dân. Nhưng từ khi xảy ra hiện tượng rạn nứt nhà tới nay, chưa thấy chủ đầu tư hay người có trách nhiệm đến để giải quyết.

ADQuảng cáo

Lo sợ không được đền bù, nên người dân phải ngăn cản thi công, bảo vệ hiện trạng. "Chúng tôi rất mong những người có trách nhiệm đến làm việc, bàn bạc, thống nhất phương án đền bù thiệt hại cho người dân. Đền bù xong xuôi, họ tiếp tục thi công, không ai phản đối”, ông Hùng cho hay.

Ngoài các trường hợp trên, nhiều hộ dân khác tại xã Thuận Hạnh và Thuận Hà đã phản ánh việc thi công các công trình điện gió ảnh hưởng đến tài sản của họ. Phần lớn các hộ bị ảnh hưởng nằm trong phạm vi phụ cận 300m tính từ trụ turbine của Dự án Nhà máy điện gió Đắk N’drung 1, 2, 3.

Gạch men ốp tường nhiều nhà dân bị nứt chi chít

Động thái của chính quyền và chủ đầu tư

Sau khi nắm bắt được thông tin phản ánh của một số hộ dân, UBND huyện Đắk Song giao cho Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất (BQLDA) huyện phối hợp với đơn vị chức năng thực hiện đánh giá mức độ thiệt hại của người dân.

Theo ông Trần Văn Quảng, Giám đốc BQLDA huyện Đắk Song, sau khi ký kết hợp đồng, Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng tỉnh Gia Lai đã phối hợp với chủ đầu tư, BQLDA và chính quyền địa phương khảo sát, đánh giá các công trình trong phạm vi 300m tính từ trụ các turbine điện gió Dự án Nhà máy Đắk N’drung 1, 2, 3.

Đến nay, đơn vị tư vấn đã khảo sát được 100 hộ dân ở Thuận Hạnh và Thuận Hà nằm trong phạm vi phụ cận bị ảnh hưởng. "BQLDA đang đôn đốc đơn vị tư vấn khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư triển khai khảo sát, đánh giá và tiến hành hỗ trợ, lập phương án bồi thường (nếu có) cho các hộ dân theo quy định”, ông Quảng cho hay.

Công trình điện gió tại Thuận Hạnh phải dừng thi công do  người dân ngăn cản và yêu cầu giữ nguyên hiện trạng để đòi bồi thường, hỗ trợ

Trao đổi với phóng viên Báo Đắk Nông, ông Nguyễn Trí Trà, Giám đốc Dự án Nhà máy điện gió Đắk N’drung 1, 2, 3 cho biết, trước khi triển khai thi công, chủ đầu tư đã khảo sát nhà cửa, tài sản của người dân trong phạm vi bán kính 300m.

Đến nay, có một số nhà cửa, tài sản của người dân bị ảnh hưởng do quá trình thi công dự án. Tuy nhiên, một số công trình của người dân có dấu hiệu rạn nứt “bất thường” và đòi hỏi bồi thường số tiền rất lớn. Do đó, chủ đầu tư và người dân vẫn chưa tìm được "tiếng nói chung".

Cũng theo ông Trà, việc huyện Đắk Song thành lập đoàn chuyên môn để khảo sát, đánh giá thực tế sẽ giúp cho doanh nghiệp có căn cứ thỏa thuận đền bù, hỗ trợ những hộ dân bị ảnh hưởng.

Nếu nguyên nhân nhà của dân hư hỏng do việc thi công dự án, đơn vị sẽ sẵn sàng đền bù, hỗ trợ thỏa đáng. "Khi có kết quả khảo sát, đánh giá và phương án của đơn vị tư vấn, chủ đầu tư sẽ tuân thủ bồi thường, hỗ trợ cho người dân”, ông Trà cho hay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xúc tiến xử lý ảnh hưởng do thi công điện gió
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO