Ðối thoại kịp thời sẽ hạ nhiệt “điểm nóng”

Thanh Hà| 19/07/2022 08:29

Tiếp và đối thoại trực tiếp với công dân khi xảy ra các vấn đề bức xúc sẽ giúp tháo gỡ được nhiều khúc mắc, làm hạ nhiệt “điểm nóng”, tránh tình trạng khiếu nại tố cáo (KNTC) vượt cấp, kéo dài.

ADQuảng cáo

Đầu tháng 6/2022, UBND huyện Đắk Glong ra quân cưỡng chế đợt 2 đối với các trường hợp lấn chiếm trái phép đất rừng dọc quốc lộ 28 (QL28), đoạn qua xã Quảng Sơn.

Các hộ dân này lấn chiếm đất rừng trong thời gian Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ quản lý, bảo vệ (2016-2018). Hiện khu đất này đã được UBND tỉnh thu hồi, giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý.

Khu vực bị cưỡng chế có nhiều nhà cửa, cây trồng của người dân đã hình thành. Khi cưỡng chế, một số trường hợp vi phạm xin lùi thời hạn cưỡng chế để di dời tài sản.

Tuy nhiên, đoàn cưỡng chế kiên quyết triển khai vì đã nhiều lần vận động, thuyết phục bất thành. Điều này khiến nhiều hộ dân đã bức xúc, lên trước trụ sở UBND tỉnh để kiến nghị.

Hầu hết các trường hợp lấn chiếm đất rừng trong thời gian Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ quản lý đã bị cưỡng chế

Người dân yêu cầu được đối thoại với lãnh đạo UBND tỉnh, UBND huyện và các sở, ngành liên quan về việc cưỡng chế. Chưa đầy 1 ngày sau, UBND tỉnh đã tổ chức tiếp, đối thoại với các hộ dân, với sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên.

Tại buổi làm việc, các kiến nghị của người dân đều được các sở, ngành, địa phương giải đáp cụ thể. Trong đó, chính quyền khẳng định việc người dân lấn, chiếm đất rừng đang được tỉnh giao cho tổ chức quản lý là trái phép, phải thu hồi. Quy trình cưỡng chế được thực hiện chặt chẽ, đúng pháp luật.

Một mặt, chính quyền thực thi cưỡng chế trên tinh thần thượng tôn pháp luật, công bằng. Nhưng mặt khác, địa phương sẽ rà soát, hỗ trợ những chính sách liên quan đến an sinh, xã hội đối với các trường hợp là hộ nghèo, không có nơi ở hoặc đối tượng chính sách.

ADQuảng cáo

Là một trường hợp bị cưỡng chế, ông Nguyễn Văn Chiến đã tự nguyện di dời tài sản vi phạm sau ngày đối thoại do UBND tỉnh tổ chức. Ông Chiến bức xúc vì khi xây dựng nhà cửa, chính quyền địa phương không thông báo đó là đất lâm nghiệp hoặc ngăn chặn.

Ông Chiến chia sẻ: Dân chúng tôi sai nhưng mà chính quyền cũng có cái sai. Tại buổi đối thoại ở tỉnh, chúng tôi cảm thấy thấu đáo, rất tin tưởng lời giải thích của UBND tỉnh, huyện và các sở ngành. Chúng tôi rất mong được quan tâm, hỗ trợ để an cư.

Sau cưỡng chế, ông Nguyễn Văn Chiến (bên phải) rất mong được quan tâm, hỗ trợ để an cư

Tương tự, ông Nguyễn Đức Toàn, một trong những trường hợp tự tháo dỡ tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế, cho biết: Chúng tôi biết sai rồi, nên đã tự tháo dỡ. Sau cưỡng chế, chúng tôi rất mong được quan tâm hỗ trợ để có cuộc sống yên ổn. Vợ chồng tôi năm nay gần 70 tuổi rồi cũng chẳng biết bấu víu vào đâu.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, tại buổi đối thoại, chính quyền khẳng định rõ các trường hợp lấn chiếm đất rừng trái phép đều phải xử lý như nhau.

Ông Yên cũng đã công khai số điện thoại cá nhân để người dân thông tin các vấn đề còn mập mờ, thiếu minh bạch. Nhờ vậy, sau buổi tiếp công dân, phần lớn các trường hợp vi phạm đã đồng tình và tự nguyện tháo gỡ công trình vi phạm.

Việc tổ chức tiếp, đối thoại của UBND tỉnh Đắk Nông với các trường hợp bị cưỡng chế là kịp thời, giải tỏa điểm nóng mới hình thành.

Sau buổi tiếp, các sở, ngành, địa phương cần tập trung ngay vào việc thực hiện những “lời hứa” với người dân. Điều này giúp người dân yên tâm sinh sống, không bị các đối tượng xấu lôi kéo, xúi giục dẫn đến bức xúc kéo dài.

Khu vực cưỡng chế dọc quốc lộ 28, đoạn qua xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đang được quản lý tốt, không có hiện tượng bị tái lấn chiếm

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðối thoại kịp thời sẽ hạ nhiệt “điểm nóng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO