40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Tráng ca và tình ca biên giới

Vũ Hà| 15/02/2019 09:39

Cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nhất là khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra chính là thời kỳ mà nở rộ hàng trăm bài ca biên giới, khắc ghi vẻ đẹp của đất nước, con người của một thời chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đầy bi tráng.

ADQuảng cáo

Bộ Chỉ huy mặt trận Lạng Sơn cùng chỉ huy Đoàn 327 bàn phương án tác chiến tại hang Chùa Tiên, thị xã Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN

Ngay trong đêm 17/2/1979, khi nghe tin chiến sự bùng nổ ở biên giới Việt – Trung, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết ca khúc mở màn cho dòng nhạc “biên giới phía Bắc” thời kỳ này. Đó là bài "Chiến đấu vì độc lập tự do", được dàn hợp xướng Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam biểu diễn. Bài hát này đã được sử dụng gần như nhạc hiệu sau các bản tin về chiến sự và các chương trình phát thanh quân đội âm hưởng hào hùng: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới,/gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới. /Quân xâm lược bành trướng dã man /đã giày xéo mảnh đất tiền phương…/Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương. /Đất nước của ngàn chiến công, /Vẫn sục sôi khí thế hào hùng /Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa... /Đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca!...”

Hưởng ứng lệnh Tổng động viên toàn quốc (5/3/1979) của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng những đoàn quân ra trận, lên tuyến đầu biên giới với lòng căm thù và quyết tâm chiến thắng của người chiến sĩ: "Đoàn quân vội đi, đi về biên giới. /Cũng từ biên giới về những bầy trẻ nhỏ. Đoàn quân lặng im, nhìn đàn em bé. /Từng đôi mắt đen xoe tròn. /Từng đôi mắt mang hình viên đạn. Ngàn đôi mắt như ngàn lời ước hẹn. /Từng đôi mắt quê hương trao cho đoàn quân. Người chiến sĩ hãy nhớ lấy./ Bắn tan quân xâm lược dã man". (Những viên đạn trao từ đôi mắt - Trần Tiến).

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, biết bao chàng trai tạm biệt quê hương, người thân và người yêu lên đường diệt thù. Trong khung cảnh "Lời tạm biệt lúc lên đường" của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, thật sự là một bản hành khúc viễn chinh bi tráng: “Ngày ra đi, hướng biên cương, /gió bấc tràn về lòng anh lạnh buốt. /Nòng súng đen dán câu thơ, /Ý thơ thiệt hay là thơ Lý Thường Kiệt./Lòng người Việt Nam nào đâu thích gì đạn bom /Ngọn nguồn đau thương trải qua đã nhiều rồi…/ Quyết chiến thắng! /Cho hôm nay, cho con, cho cháu và cho khắp mọi miền. /Mùa quả ngọt, trái sẽ chín /Anh đi em nhé, vì chân lý ngời ngời!”.

Nhưng biên giới không chỉ có máu lửa, tàn khốc và hờn căm toát lên hình ảnh biên cương với một vẻ đẹp nên thơ nơi địa đầu Tổ quốc. Và tình đồng đội, tình yêu lứa đôi, tình yêu tiền tuyến và hậu phương vẫn là nguồn cảm xúc và hòa quyện một cách nhuần nhuyễn với tình yêu quê hương đất nước: “Em ơi, có nơi nào đẹp hơn /chiều biên giới /khi mùa đào hoa nở /khi mùa sở ra cây lúa lượn bậc thang mây /mùi tỏa ngát hương bay...”. (Chiều biên giới - nhạc: Trần Chung, thơ: Lò Ngân Sủn).

ADQuảng cáo

Và đó chính là hàng loạt ca khúc "Tiếng đàn bên bờ sông biên giới" của Phạm Tuyên mà trong suốt những năm 80 đã trở thành nhạc hiệu của chương trình ca nhạc trên đài truyền hình Việt Nam: "bản tình ca đầu tiên ra đời trên biên giới là bản tình ca anh viết cho em" (Tình ca tuổi trẻ - Tôn Thất Lập); là "Chiều biên giới" của Trần Chung với "khi mùa đào hé nở, khi mùa gió sang cây, đôi ta cùng chiến hào, tình yêu là tiếng hát giữa đất trời quê hương"; hay "Tình ca mùa xuân" của Trần Hoàn: "Em ơi em mùa xuân đã về trên cành lá, tiếng chim kêu ngọt quá cho trời xanh xanh thẳm... mùa xuân biên giới súng anh gác trời xa". Những người lính chiến trường biên giới phía Bắc bây giờ luôn cất cao tiếng hát, lời ca tha thiết tình cảm của "Hoa sim biên giới" (Minh Quang); hay "Thư gửi cho nhau" (Phan Huấn) như một lời thủ thỉ với người thương.

Hành quân ra mặt trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc phía Bắc năm 1979. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, nơi đầu nguồn các con sông miền biên thùy là nguồn cảm hứng sáng tác đối với các nhạc sĩ và gợi cảm hứng dâng trào của người chiến sĩ. Đầu nguồn các con sông miên biên thùy là hình ảnh gắn với Tổ quốc, với hình ảnh người lính cầm súng gác cho bình yên biên thùy và mối tình vừa lãng mạn vừa bình dị của họ: Anh ở biên cương nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. /Ở trên anh mùa này con nước lắng phù sa in bóng đôi bờ. /Anh ở biên cương biết rằng em năm ngóng tháng chờ, /cứ chiều chiều ra sông mà gánh nước, /nên ngày ngày cùng bạn bè trên chốt /anh lại xuống sông Hồng cho thỏa lòng em mong" (Thơ: Dương Soái. Nhạc: Thuận Yến).

Và cùng với ca khúc “Gửi em ở cuối Sông Hồng" là hình ảnh bình dị và cảm động của người lính với người bạn gái hậu phương trong ca khúc “Tình ca mùa xuân” của Trần Hoàn - hình ảnh được những người lính rất yêu thích: “Và chúng mình yêu nhau, bắt đầu tự độ ấy /Em đi vào xưởng máy, khi trời còn hơi sương /Và anh lại ra đi, vui như ngày hội /Mùa xuân biên giới, súng anh gác trời xa”. Hai ca khúc nói trên cũng không thể thiếu trong bất kỳ một chương trình biểu diễn ca nhạc nào bấy giờ.  

Trong khoảng vài năm và chủ yếu trong hai năm 1979 – 1980, dòng nhạc “biên giới phía Bắc” lên tới vài trăm bài hát tráng ca và tình ca với âm hưởng hào hùng và lãng mạn. Đó là sự rực lửa hờn căm, ngập tràn hào khí… và tình đồng đội, tình yêu lứa đôi, sự gắn kết giữa tiền tuyến và hậu phương đã trở thành nguồn cảm xúc ngập tràn. Chính vì thế, những bản ballad cách mạng nói trên dễ đi vào lòng người và có sức sống bền lâu và trở thành một tượng đài hùng vĩ của nền ca nhạc Việt Nam. Và các ca khúc thời kỳ này tiếp tục là tấm gương phản ánh sinh động nhất của lịch sử đất nước những năm tháng gian lao mà anh dũng tuyệt vời.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Tráng ca và tình ca biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO