Bác Hồ học tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số

Vũ Hà| 18/11/2016 10:55

Trong phiếu lý lịch tự khai năm 1935 khi ở Liên Xô, về phần học vấn, trong đó có ngoại ngữ, Bác Hồ ghi là “tự học”.

ADQuảng cáo

Nhiều tài liệu cho biết, Bác biết 29 ngoại ngữ, trong đó đọc thông viết thạo 10 ngoại ngữ thông qua tự học. Không những tự học và hiểu sâu nhiều ngôn ngữ quốc tế, khi về nước, Bác còn học tiếng nói của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như Thái, Tày, Nùng, Mông, Dao…, qua đó tạo sự gắn bó với quần chúng và tuyên truyền, vận động cách mạng .

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một gia đình đồng bào dân tộc Dao ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1952. Ảnh tư liệu

Tháng 1/1941, Bác Hồ về nước xây dựng căn cứ địa tại Pắc Bó, Cao Bằng. Mặc dù trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, cuộc sống rất khó khăn thiếu thốn, nhưng Người vẫn dành thời gian học tiếng Tày, Nùng với các đồng chí của mình như Lê Quảng Ba, Dương Đại Lâm...

Ông Nông Quốc Tuấn, người Tày, là liên lạc của Bác bấy giờ, hiện đang sống với con cháu ở xã Nam Dong (Chư Jút) kể rằng: Khi làm liên lạc cho Bác, ông mới tuổi thiếu niên, chính Bác là người đã dạy cho ông học chữ quốc ngữ và tiếng phổ thông. Những khi hai bác cháu nói chuyện với nhau, Bác thường nói tiếng Tày, Nùng để chóng thông thạo.

ADQuảng cáo

Với cách học như trên, chỉ sau một thời gian ngắn, Bác đã giao tiếp được với người dân Pắc Bó bằng tiếng Tày, Nùng. Bác còn đặt lời cho bài ca “Thiếu niên cứu quốc hội” rồi dạy cho các đồng chí của mình hát theo một làn điệu dân ca Tày, Nùng để tuyên truyền cách mạng.

Noi gương Bác, nhiều cán bộ cách mạng bấy giờ hoạt động cách mạng ở Cao Bằng với Bác như Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng đã rất chịu khó học và nói được tiếng Tày, Mông, Dao. Riêng đồng chí Võ Nguyên Giáp đã dịch “Việt Minh ngũ tự kinh” ra tiếng Mông, Dao để phổ biến rộng rãi ở các vùng Hà Quảng, Hòa An, Cao Bằng.

Trong hồi ký cách mạng in trong cuốn “Bác Hồ” của Hội Văn nghệ Cao Bằng, bà Vương Thị Kim Liên kể lại những kỉ niệm không thể quên trong lần Người về thăm Pắc Bó năm 1961: Đến bản Pắc Bó, Bác vừa bước vào nhà liền hỏi tôi bằng tiếng Nùng: “Kim Liên dú tờ? (Kim Liên đâu rồi?). Lúc chia tay dân bản Pắc Bó, bên bờ suối Lê Nin, Bác vẫy tay lưu luyến… chào tạm biệt bằng tiếng Nùng: Du nơ, du nơ... Bảc pây vơ (ở lại, ở lại nhé... Bác đi đây). Bác nói nhẹ nhàng làm mất dấu, âm thanh mềm mại buông ra, lưu luyến. Đó là lối nói người Nùng chúng rôi rất thích, gọi là "phuối dủi". Ông già bà cả và mọi người ở bãi mít tinh vang lên tiếng cười vui vẻ vì lối "phuối dủi" của Bác, càng thấy Bác hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc Nùng Giang.

Cô giáo Phan Thị Lý, nguyên là giáo viên có mặt tại buổi đón Bác Hồ đến thăm Mộc Châu ngày 8/5/1959 kể lại: Khi phát biểu với bà con các dân tộc, Bác bất ngờ hỏi một câu bằng tiếng Thái: "Pi noọng phăng hụ báu?" (Anh em nghe tôi nói có hiểu không ?). Mọi người ngỡ ngàng, lặng đi giây lát, rồi đồng thanh đáp: "Hụ dá lọ!" (Có ạ! Hiểu rồi ạ!). Sau đó từ kỳ đài Bác đi xuống bắt tay các cụ già bước đến chỗ có các cháu học sinh con em đồng bào các dân tộc và nói: Thầy cô giáo của các cháu đâu? Cô giáo Lý đứng cạnh đó liền bước đến bên Bác và trả lời: Thưa Bác cháu là cô giáo của các em đây ạ! Bác Hồ bắt tay cô giáo và nói: Cháu lên lâu chưa? Thưa Bác cháu mới lên ạ! Cháu dạy học ở đây có thấy khó khăn không? Thưa Bác có ạ! Bởi vì ngôn ngữ bất đồng, cháu chưa hiểu tiếng dân tộc. Nghe cô giáo Lý nói vậy, Bác bảo: Cháu phải học nói tiếng dân tộc để khi giảng dạy, nếu học sinh không hiểu tiếng phổ thông thì mình nói luôn tiếng dân tộc, học sinh sẽ hiểu ngay.

Từ những câu chuyện về Bác Hồ học tiếng đồng bào dân tộc thiểu số các dân tộc thiểu số, ta thấy cách học Bác rất thực tế, sáng tạo và hiệu quả. Bác học tiếng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ là một nhu cầu văn hóa mà còn để phục vụ cách mạng. Nhờ nói được nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số mà Bác đã sử dụng trong giao tiếp và tuyên truyền, qua đó tạo được sự gần gũi với đồng bào, đồng chí. Đồng bào các dân tộc cảm phục, tin tưởng, kính yêu Bác đã hết lòng ủng hộ, giúp đỡ và tham gia cách mạng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác Hồ học tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO