Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm là niềm tự hào của các dân tộc Việt Nam

Hoàng Hoài - Vũ Trang| 16/01/2019 10:14

Tại Hội thảo khoa học “Văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam”, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa, các nghệ nhân đã có nhiều tham luận, ý kiến tâm huyết nhằm phát huy vai trò, giá trị văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam.

ADQuảng cáo

Nhà nghiên cứu Linh Nga Niek Đăm (Trung tâm phát triển nông thôn Tây Nguyên):

Nhà nghiên cứu Linh Nga Niek Dăm

Cách bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống tốt nhất là làm sao để tồn tại thực sự trong chính cộng đồng của đồng bào. Nhìn từ góc độ văn hóa, nếu muốn duy trì, phát triển nghề dệt thủ công truyền thống và thổ cẩm quay trở lại với đời sống buôn làng, thì chính quyền kết hợp với các đoàn thể, trường học động viên, khuyến khích học sinh các vùng dân tộc khi đi học mặc trang phục truyền thống vài lần trong tuần. Mỗi thành viên trong gia đình đều có một bộ trang phục truyền thống.

Bên cạnh đó, không chỉ chú trọng đến việc truyền nghề bằng phương pháp dệt thủ công mà phải kết hợp song song giữa thủ công với công nghiệp. Bằng cách cải tiến khung dệt thủ công truyền thống cho khổ vải rộng hơn, tốc độ dệt có thể nhanh hơn. Chú trọng tới việc tìm và tạo ra những nguồn nguyên liệu mới, giảm bớt số lượng chỉ giăng, chỉ dệt, để vải thành phẩm mịn, mềm, mỏng hơn, phù hợp với thời tiết cũng như các hoạt động hàng ngày. Chế tác các mẫu thời trang ứng dụng, thời trang công sở, thời trang học đường có chất liệu thổ cẩm. Nghề dệt phải đi đôi với nghề may, nếu không cũng lại tốn tiền vô ích. Lâu nay các đơn vị tổ chức truyền dạy nghề dệt thường không chú ý đến việc này, khiến bà con không có sản phẩm nào khác ngoài váy áo, tấm vải cõng con, có khác đi chỉ là tấm áo theo kiểu ghile…

Việc tạo ra những mặt hàng từ nguyên liệu thổ cẩm có giá trị kinh tế cao, với nhiều loại hình mẫu mã, tham gia vào thị trường, đặc biệt là thị trường du lịch đang mỗi ngày một đa dạng hơn là điều rất đáng được quan tâm.

PGS.TS Phạm Văn Lợi (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển):

PGS.TS Phạm Văn Lợi

Hiện nay, các nguyên liệu truyền thống đã và đang bị hạn chế sử dụng trong nghề dệt của các dân tộc tại chỗ Trường Sơn-Tây Nguyên. Hầu hết các cư dân tại chỗ trên địa bàn không còn trồng bông dùng cho nghề dệt mà chấp nhận mua sợi công nghiệp về dệt. Ngay cả hạt cườm tự nhiên sử dụng trong dệt cải hoa văn cũng đã hoàn toàn vắng bóng.

Thứ nhất, để giải quyết vấn đề này cần vận động người dân tiếp tục sử dụng các loại thân, vỏ, quả, rễ cây để nhuộm màu cho sợi, góp phần duy trì tính thân thiện với môi trường, con người của sản phẩm dệt.

Thứ hai, về công cụ, để duy trì ưu điểm, hạn chế nhược điểm của khung dệt cần tuyên truyền để cư dân cố định một đầu khung dệt vào một vị trí nào đó, hạn chế việc sử dụng cả chân và lưng thợ vào việc căng/chùng hàng sợi dọc. Có thể áp dụng cách tách 2 hàng sợi dọc bằng tác động của đôi chân, như khung dệt truyền thống của các dân tộc Việt, Mường, Thái… giảm bớt sự vất vả cho đôi tay người thợ, để họ có thể sử dụng đôi tay vào các công việc khác, trong suốt quá trình dệt.

ADQuảng cáo

Thứ ba, về kỹ thuật dệt cải hoa văn, người dân với sự trợ giúp của các chuyên gia cần chuyển từ dệt y phục sang dệt các sản phẩm phục vụ trang trí nội thất, các sản phẩm du lịch, bán cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Thứ tư, về sản phẩm, người dân có thể phát huy thế mạnh của thổ cẩm trong việc sản xuất các sản phẩm trang trí như tấm trải bàn, tấm bọc đệm, tranh vải… mang tính độc bản, như những tác phẩm nghệ thuật.

TS Trần Hữu Sơn (Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Ứng dụng):

TS Trần Hữu Sơn

Hoa văn thổ cẩm vừa là tiềm năng, vừa là nguồn lực để xây dựng các sản phẩm du lịch. Nhưng muốn xây dựng sản phẩm du lịch mang tính hấp dẫn, bền vững, đòi hỏi các sản phẩm này phải được “thổi hồn”, tạo ra loại hình sản phẩm đặc thù, tránh tình trạng các đồ lưu niệm, các tấm hoa văn cứ na ná giống nhau, bày bán khắp các cửa hàng, khách sạn…

Mặt khác, muốn xây dựng hoa văn thổ cẩm trở thành sản phẩm du lịch, các ngành chức năng, địa phương cần nghiên cứu, sản xuất theo quy trình cụ thể, từ nghiên cứu ý tưởng về sản phẩm mới, phân tích nhu cầu của du khách, thiết kế sản phẩm theo các mẫu mã, chức năng sử dụng, chức năng thẩm mĩ phù hợp với nhu cầu của du khách cho đến quảng bá, tuyên truyền về sản phẩm và cuối cùng là bán sản phẩm cho các doanh nghiệp, du khách.

Vấn đề phát triển sản phẩm như vậy đòi hỏi sự hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, cộng đồng người dân, chủ nhân của sản phẩm và các nhà khoa học tư vấn. Mối quan hệ này cần xây dựng thành một cơ chế bền chặt.

Nghệ nhân Thị Mai (bon Bu Prâng, xã Đắk N’Drung (Đắk Song):

Nghệ nhân Thị Mai

Những hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng và cả nước nói chung. Việc bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa thổ cẩm này đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, để làm được điều này không chỉ dựa vào một vài người, hay một số cộng đồng người dân tộc thiểu số mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Nhà nước không chỉ hỗ trợ đào tạo nhân lực, bảo tồn văn hóa thổ cẩm mà cần tạo ra môi trường để người dân, cộng đồng và xã hội có thể tham gia công việc này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm là niềm tự hào của các dân tộc Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO