“Báu vật” trên đỉnh Đăng N’Jriêng

Gia Bình| 07/07/2017 09:57

Dù đã di chuyển và định cư nơi ở mới, nhưng đồng bào dân tộc Mạ ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông ) vẫn thường xuyên lui tới ngôi làng cổ ở trên đỉnh Đăng N’Jriêng, xem đây như là "báu vật" của bon làng.

ADQuảng cáo

Cố gắng giữ gìn

Nằm ở thôn 8, đỉnh Đăng N’Jriêng sừng sững che phủ cả ngọn đồi bao la, rộng lớn. Theo những người già ở bon N’Jriêng thì đỉnh Đăng N’Jriêng là nơi ở của bà con người Mạ. Ngày đó, khu vực này toàn rừng núi bao phủ, bà con trong bon chung sống và quây quần, cùng nhau làm nương rẫy.

Bon làng ngày đó đông vui lắm, dù nghèo khó nhưng rất đoàn kết. Mãi cho đến khi thực dân Pháp xâm lược và thực hiện dồn dân lập ấp, toàn bộ người dân buộc phải di chuyển về địa điểm mới là bon N’Jriêng ngày nay. Để ghi nhớ ngôi làng cũ gắn bó với biết bao kỷ niệm, bà con đã thống nhất lấy tên N’Jriêng để đặt tên cho bon mới bây giờ.

Ngày hòa bình lập lại, bà con đã quay lại ngôi làng dựng nhà và cùng nhau khai hoang, sản xuất lại trên chính khu đất của ngôi làng cũ. Do sự phai phôi của thời gian nên hiện tại, ngôi làng còn 8 căn nhà, nhưng đều được làm theo kiểu truyền thống là lợp lá, bên trong có đầy đủ các loại vật dụng sinh hoạt. Duy nhất một căn nhà của ông K’Đá còn khá nguyên vẹn, với đầy đủ các vật dụng truyền thống của người Mạ.

Trong căn nhà, mọi vật dụng đều đã cũ kĩ, in hằn dấu vết của thời gian, nhưng ông vẫn nhất quyết gìn giữ và xem đó như là những “báu vật” mà tổ tiên để lại. Những chiếc gùi, xà gạc, nong... vẫn được treo trên vách nhà. Kho lúa phía trên bếp lửa vẫn dùng để đựng bắp, lúa, đậu sau khi thu hoạch...Phía dưới là bếp lửa luôn đỏ rực sưởi ấm cả căn nhà.

Vợ chồng ông K'Đá thường xuyên kể cho con cháu về nguồn gốc ngôi làng

Theo ông K’Đá, ngôi nhà được dựng lên từ năm 1995. Gia đình, bà con trong bon đã cùng nhau lên rừng kiếm những nhành lá đủ độ tuổi và dùng sợi mây kết lại theo đúng kích thước, chiều dài của ngôi nhà. Hiện tại, gia đình con cái ông K’Đá chuyển về bon N’Jriêng, nhưng vợ chồng ông vẫn ở lại ngôi làng cũ này, dù cho con cháu khuyên răn.

Ông K’Đá cho biết: “Trong bon mới đầy đủ và vui v ẻ hơn, nhưng vợ chồng tôi vẫn ở đỉnh Đăng N’Jriêng này. Ngày xưa cha mẹ tôi đã ở đây thì bây giờ cho dù chỉ có vài người, tôi vẫn ở cho đến khi chết”.

ADQuảng cáo

Ông K’Tiêng ở bon N’Jriêng cho hay: “Ngôi nhà của ông K’Đá được làm nguyên bản mẫu nhà trệt của người Mạ nên bà con rất yêu quý và xem nó như một “báu vật”. Riêng các vật dụng thì ở bon mới không có đâu. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường vào ở lại nhà ông K’Đá vài hôm vì ở đây vẫn giữ được ngôi làng cổ do tổ tiên để lại và thấy tâm trí thật thoải mái. Chúng tôi cố gắng giữ gìn để giúp con cháu ghi nhớ truyền thống của dân tộc mình”.

Xem xét tu bổ, phục vụ du lịch

Quanh ngôi làng cũ, dòng suối mang tên Dà Gộp vẫn chảy êm ả và đây chính là bến nước của bon ngày xưa. Có nguồn nước, bà con đã khai hoang làm nương rẫy cho đến tận ngày nay.

Ông K’Du cho hay: “Với bà con người Mạ ở bon N’Jiêng, đỉnh Đăng N’Jriêng - nơi có ngôi làng cũ chính là nơi đi - về của tổ tiên, ông bà. Do đó, ngày lễ gì quan trọng mang tính chất cộng đồng, bà con trong bon thường góp gạo, tiền để cùng nhau vào đây sinh hoạt. Tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình mà góp nhiều hay ít, nhưng tất cả đều vì mục đích nhắn nhủ con cháu nhớ về nguồn cội của tổ tiên”.

Điều đáng ghi nhận là mặc dù đã di chuyển về nơi ở mới với điều kiện sống tốt hơn, nhưng đồng bào Mạ ở bon N’Jriêng vẫn thường xuyên chở con cháu lui tới thăm nom ngôi làng và gìn giữ các vật dụng như những “báu vật” truyền đời.

Đặc biệt, tại ngôi làng mới, một số gia đình vẫn làm nhà trệt lợp lá theo kiểu truyền thống. Bà con cũng đã đồng hành cùng chính quyền địa phương tích cực xây dựng cuộc sống mới và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, hướng đến cuộc sống văn minh hơn. Hiện nay, bon N’Jriêng được đánh giá là một trong những “điểm sáng” về gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của người Mạ. Các nghề dệt thổ cẩm, đan lát, nấu rượu cần... vẫn được các gia đình lưu giữ, thậm chí mở rộng để kinh doanh.

Một số câu lạc bộ cồng chiêng, đội văn nghệ dân gian được thành lập và duy trì sinh hoạt thường xuyên. Những ngày lễ, tết, bà con thường cùng nhau tổ chức liên hoan, giao lưu để chia sẻ những kinh nghiệm hay trong cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Thái Ban, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia thì bon N’Jriêng là bon điểm về gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay, ngoài việc sản xuất ở khu vực ngày xưa trên đỉnh Đăng N’Jriêng, bà con vẫn giữ gìn được các ngôi nhà theo kiểu truyền thống. Vì vậy, cùng với việc khuyến khích bà con phát triển kinh tế, gìn giữ bản sắc văn hóa, địa phương cũng đã đề xuất cấp trên xem xét, tu bổ, tôn tạo lại bon cổ trên đỉnh Đăng N’Jriêng để phục vụ du lịch theo hướng du lịch cộng đồng.     

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Báu vật” trên đỉnh Đăng N’Jriêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO