Biết yêu quý và trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc

Mỹ Hằng| 29/06/2018 09:38

Học Ót N'drong (sử thi), đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát… là những hoạt động thiết thực đang được nhiều bạn trẻ ở các bon làng thực hiện nhằm góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

ADQuảng cáo

H’Thương ở bon Jốc Ju, xã Nam Nung (Krông Nô) là một trong những người trẻ trong bon biết sử dụng những hiểu biết của mình để bảo tồn văn hóa truyền thống.

Theo H’Thương, trước đây bản thân không hề biết chút gì về đan lát, cồng chiêng cũng như dệt thổ cẩm. Nhận thấy việc không biết các nét đẹp truyền thống là nguyên nhân dẫn đến các giá trị văn hóa bị mai một dần, H’Thương đã đến nhà các cụ già trong bon để học hỏi, học đến đâu lại về tự mày mò áp dụng luôn vào thực tế.

Những lúc rảnh rỗi, H'Thương ở bon Jốc Ju, xã Nam Nung (Krông Nô) lại đan lát các dụng cụ bằng mây tre

Ngoài ra, H’Thương còn tích cực tham gia các lớp truyền dạy thổ cẩm, đan lát do chính quyền các cấp tổ chức và ra sức tuyên truyền để các bạn cùng trang lứa hiểu được ý nghĩa của việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Những bài chiêng truyền thống như Ching ngăn, Con nai kêu, Ếch kêu đầu mùa, Chia sẻ với bon làng… được H’Thương đánh một cách thành thục. Đặc biệt, H’Thương còn tìm đến nhà nghệ nhân Y Thi để học hát kể Ót N'drong.

H’Thương cho biết: “Văn hóa truyền thống của người M’nông phong phú lắm, những người am hiểu sâu về văn hóa dân tộc chẳng còn nhiều như trước. Nếu thế hệ trẻ như mình không học, không tìm cách tiếp cận thì sẽ mất hết, buồn lắm”.

Tương tự, H’Yon ở bon Tinh Wel Đơm, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cũng nỗ lực góp sức mình cùng chính quyền địa phương để gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Sinh sống trên địa bàn có nhiều thắng cảnh đẹp như thác Liêng Nung, làng nghề truyền thống với nhiều nét văn hóa đặc sắc như dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, ẩm thực…, nhận thấy đây là lợi thế để có thể nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con và cũng là cơ hội gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, với vai trò là Phó Bí thư Đoàn xã, H’Yon đã tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức các lớp kỹ năng, duy trì các hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa của người Mạ trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Đồng thời H’Yon ra sức vận động các nghệ nhân trong bon cũng như các bạn trẻ luyện tập đánh cồng chiêng, múa xoang để có thể phục vụ các đoàn du khách. Mỗi khi có đoàn du khách muốn giao lưu cùng bà con địa phương, H’Jon đều vận động các nghệ nhân, các bạn trẻ tham gia nhiệt tình. Nhờ đó, hoạt động biểu diễn cồng chiêng, hát múa dân ca dân vũ trở thành một trong những hoạt động thường xuyên của địa phương.

H’Yon phấn khởi nói: “Lớp trẻ có vai trò rất quan trọng trong việc kế thừa, phát huy giá trị văn hóa của cha ông để lại. Hiểu được vấn đề đó và bằng trách nhiệm của tuổi trẻ nên tôi cố gắng thôi. Điều tôi vui nhất là bà con, các bạn trẻ đã biết yêu quý và trân trọng hơn những giá trị truyền thống của dân tộc mình”.

H'Yon (bên phải) là người có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc Mạ tại bon Tinh Wel Đơm, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa)

H’Duyn ở bon Bu Bah, xã Trường Xuân (Đắk Song) cũng nỗ lực hết mình trong việc luyện tập đánh cồng chiêng và múa xoang truyền thống. Theo H’Duyn, mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng và cồng chiêng là “linh hồn” của văn hóa M’nông. Vì vậy, việc học đánh cồng chiêng và kêu gọi sự vào cuộc của cộng đồng chính là giải pháp hữu hiệu nhất để bảo tồn văn hóa dân tộc. Thế là gặp ai, làm gì, H’Duyn đều nói về ý nghĩa của việc gìn giữ văn hóa truyền thống. Vào các ngày cuối tuần, H’Duyn cùng các chị em trong bon tập trung lại tại nhà văn hóa cộng đồng để cùng nhau luyện tập diễn tấu cồng chiêng.

Hiện tại, bon Bu Bah đã thành lập được 2 đội cồng chiêng (một đội già và một đội trẻ) và luôn tham gia các sự kiện văn hóa, văn nghệ do địa phương tổ chức. H’Duyn cho biết: “Là người con M’nông, lại được sinh ra trong gia đình am hiểu về văn hóa dân tộc, nên tôi hiểu ý nghĩa của văn hóa truyền thống đối với đời sống tinh thần của cộng đồng như thế nào. Vì vậy, tuổi trẻ phải ra sức gìn giữ các giá trị truyền thống của dân tộc, xem đó là trách nhiệm của mình đối với quê hương, bon làng”.

Có thể thấy, bằng nhiều cách làm khác nhau và bằng tình yêu văn hóa dân tộc, không ít các bạn trẻ trên địa bàn tỉnh đã góp sức mình vào việc gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống mà cha ông để lại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biết yêu quý và trân trọng những giá trị truyền thống của dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO