Cảm hứng về Điện Biên trong thơ Việt Nam

03/05/2019 09:16

Với chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu hơn 60 năm trước, trang sử Việt đã ghi thêm những địa danh lịch sử mới: Điện Biên, Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, đồi A1,…

ADQuảng cáo

Kết thúc bài thơ Đất nước, Nguyễn Đình Thi (1924-2003) đã viết:

Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.

Theo nhà thơ Nguyễn Đình Thi, để có cảm hứng viết những dòng thơ tài hoa với hình tượng kỳ vĩ và rực rỡ này, nhất là hai câu “Súng nổ rung trời giận dữ / Người lên như nước vỡ bờ” là nhờ âm hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ oai hùng vào trưa ngày 7/5/1954, mà gần một năm sau nhà thơ mới có dịp tái hiện lại.

Như tác giả đã từng tâm sự, Đất nước là bài thơ được sáng tác bởi một quá trình chiêm nghiệm từ 1948 đến 1955.

Phần đầu của bài thơ là sự kết tinh nghệ thuật từ bài Sáng mát trong như sáng năm xưa viết năm 1948 và bài Đêm mít tinh viết năm 1949; phần sau của bài thơ được khơi gợi từ hiện thực cuộc sống và chiến đấu của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm rất vất vả mà lạc quan, thần thánh và vĩ đại. Bốn câu thơ trên là đoạn kết của bài thơ, được viết sau ngày hòa bình được lập lại, Nhân dân miền Bắc đang tiến hành công cuộc lao động dựng xây quê hương, hàn gắn vết thương chiến tranh, tái kiến thiết đất nước.

Chương trình “Sống mãi với Điện Biên” tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử của quân và dân ta cách đây 65 năm do Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng sẽ chính thức ra mắt khán giả Thủ đô ngày 5/5. Ảnh tư liệu

Không riêng gì Nguyễn Đình Thi, trong thơ chống Pháp cũng đã có một số bài thơ xuất sắc, mà những bài này đều được gợi cảm hứng từ chiến dịch Điện Biên Phủ. Những bài thơ đó đã được các tác giả viết trong lúc chiến dịch đang diễn ra hoặc ngay sau khi chiến dịch kết thúc. Nhắc đến thơ viết về Điện Biên, không thể không kể đến nhà thơ Tố Hữu (1920-2002), bởi ông là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam và ông đã có một bài thơ rất hay, rất kịp thời và đúng lúc viết về chiến thắng oai hùng chấn động địa cầu này: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên.

Chiến dịch Biện Biên với 56 ngày đêm mà anh bộ đội Cụ Hồ đã phải miệt mài vượt bao gian khó “khoét núi, ngủ hầm”, trong cảnh “mưa dầm, cơm vắt” và “máu trộn bùn non”, nhưng các anh vẫn “gan không núng, chí không mòn” như Tố Hữu đã từng tái hiện trong bài thơ vừa nêu.

Sau này, trong bài thơ Việt Bắc viết vào tháng 10/1954, nghĩa là sau chiến thắng Điện Biên khoảng 5 tháng, lúc này Chính phủ kháng chiến từ thủ đô Việt Bắc gió ngàn dời về Hà Nội, nhằm ghi lại những ân tình sâu nặng giữa Việt Bắc đối với cách mạng và giữa người cán bộ cách mạng đối với Nhân dân Việt Bắc, với núi rừng Việt Bắc từng gắn bó trong 15 năm “thiết tha mặn nồng”, “ân tình thủy chung”, Tố Hữu có khắc họa lại cái khí thế như sóng cuộn thác trào của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên với một niềm tin vô biên hướng về tương lai tươi sáng:

Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Trong lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta từ cổ chí kim, có thể nói chưa có chiến dịch nào mà cha ông ta đã huy động một lực lượng hùng hậu và đông đảo không thể nào đếm được như chiến dịch Điện Biên, mà nhiều nhất là lực lượng dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong. Họ là những người nông dân áo vải thầm lặng bình dị chân chất, đủ mọi lứa tuổi và giới tính đã cùng với anh bộ đội Cụ Hồ đã làm nên những chiến công vĩ đại để cuối cùng đem đến chiến thắng vẻ vang, chấn động năm châu bốn biển. Từ khúc ca khải hoàn này, danh xưng Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp gắn liền với Việt Nam và Điện Biên. Những con người bình dị đã làm nên những chiến công vĩ đại ấy chính là những con người với sức trẻ đã dùng “những bàn tay xẻ núi, lăn bom” để “mở đường cho xe ta lên đường tiếp viện”; là những “chị gánh, anh thồ” hàng vạn vạn tấn hàng tiếp tế cho chiến trường. Những con người anh hùng thầm lặng ấy đã vượt qua vất vả gian lao, đối diện với cái chết, với bom đạn mà lòng vẫn phơi phới lạc quan:

Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát.

Đồng thời với Tố Hữu, còn có Chính Hữu, một nhà thơ quân đội. Ông có mấy bài viết về Điện Biên Phủ thể hiện một góc sâu trong tâm hồn, tình cảm của người lính đang tham gia chiến dịch Điện Biên. Rất nhiều người đã biết đến Chính Hữu qua bài thơ Đồng chí nổi tiếng. Chỉ có tình đồng đội, đồng chí ấm áp mới là động lực để giúp tất cả vượt qua bao khó khăn gian khổ, vượt qua mưa bom lửa đạn để giành lấy chiến thắng. Chỉ có trong chiến đấu, khi đối diện với cái chết, chúng ta mới cảm nhận đầy đủ và thấm thía hai tiếng “đồng chí”, “đồng đội” thiêng liêng và cao cả. Bài thơ Giá từng thước đất, Chính Hữu đã bộc lộ tiếng nói chân thành và rưng rưng cảm động về cái tình đồng đội thiêng liêng này qua một ngôn ngữ thơ giản dị mà ý thơ lại sâu lắng:

ADQuảng cáo

Đồng đội ta
Là hớp nước uống chung
Nắm cơm bẻ nửa
Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa
Chia khắp anh em một mẩu tin nhà
Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp
Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết.

Cũng với tình đồng chí, đồng đội cao cả này, Chính Hữu còn có bài Thư nhà ấm áp. Qua bài thơ, Chính Hữu đã nói hộ tình cảm của tất cả anh lính Cụ Hồ đang tham gia chiến dịch Điện Biên. Trong chiến đấu nơi chiến trường gay go ác liệt, những lá thư của người thân nơi quê nhà theo đường quân bưu đưa đến chính là nguồn tiếp tế vô song, là nguồn động viên to lớn giúp người lính yên tâm, vững dạ cầm súng chiến đấu, bảo vệ quê hương, làm nên chiến công, giành lấy chiến thắng. Có lẽ đây là một đề tài mới trong thơ ca kháng chiến mà Chính Hữu là người khơi mở đầu tiên cho đề tài này:

Một lá thư nhà
Hôm nay ta đọc
Trong chiến hào chuẩn bị tiến công
Chưa bao giờ hiểu hết
Ta mới biết
Chiều cao ngọn núi, chiều rộng con sông
Hai tiếng quê hương bỗng sao thắm thiết

Và chắc chắn những lá thư nhà ấy không chỉ là “của riêng” của người nhận thư, mà là “của chung” tất cả anh em đồng đội, đồng chí cùng chung chiến hào, bởi ở đó, họ đã “Chia khắp anh em một mẩu tin nhà” (Giá từng thước đất - Chính Hữu).

Ảnh tư liệu

Không riêng gì với các nhà thơ, ngay cả với vị Lãnh tụ vĩ đại tối cao của dân tộc, khí thế chiến thắng Điện Biên Phủ cũng đã tạo cảm hứng để Bác viết mấy bài thơ mang tính thời sự nóng hổi.

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã làm Bác nhiều đêm trăn trở không ngủ, dù trước đó, trong bài Thơ chúc Tết năm Nhâm Thìn (1952), Bác đã có tiên đoán cuộc kháng chiến chắc chắn sẽ thắng lợi:

Kháng chiến vừa sáu năm
Trường kỳ và gian khổ
Chắc thắng trăm phần trăm.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, để động viên các chiến sĩ ngoài mặt trận, Bác đã viết bài Tặng bộ đội Điện Biên Phủ với giọng thơ chắc khỏe như một lời hiệu triệu, thể hiện rõ quyết tâm sắt đá của cả dân tộc, qua hình thức đối nhau ở hai câu đầu:

Đá rắn, quyết tâm ta rắn hơn đá,
Núi cao, chí khí ta còn cao hơn.
Khó khăn ta quyết tâm vượt cho kỳ được,
Gian khổ không thể làm lòng ta sờn.

Mười năm sau ngày chiến thắng Điện Biên, năm 1964, trên báo Nhân Dân số 3878, ngày 12/11/1964, Bác cho đăng một bài văn Uy danh lừng lẫy khắp năm châu, ký bút danh “Chiến sĩ”, trong đó có bốn câu thơ dự báo sự thất bại của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam chắc chắn sẽ diễn ra trong một tương lai gần, chẳng khác nào Pháp bị thua đau ở Điện Biên năm 1954:

Uy danh lừng lẫy khắp năm châu
Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu
Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng
Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu.

* * *

Với chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu hơn 60 năm trước, trang sử Việt đã ghi thêm những địa danh lịch sử mới: Điện Biên, Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, đồi A1,… Những địa danh này từ đây được sánh cùng những địa danh sáng ngời chiến công của cha ông thuở xưa như Bạch Đằng, Sông Cầu, Như Nguyệt, Hàm Tử, Chương Dương, Vạn Kiếp, Chi Lăng, Rạch Gầm – Xoài Mút, Đống Đa, Ngọc Hồi, Hà Hồi, Khương Thượng… Tất cả sẽ mãi mãi bất tử trong trang sử vệ quốc oai hùng của dân tộc, mãi mãi bất tử trong tâm thức và mãi mãi là niềm tự hào của con dân Việt Nam, để các thế hệ sau viết tiếp những trang sử mới trong thời đại chống Mỹ như thế giới đã chứng kiến và khâm phục mà chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử gắn liền với đại thắng mùa Xuân 1975 là minh chứng cho chân lý này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảm hứng về Điện Biên trong thơ Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO