Cần tăng nguồn lực thông tin cho hoạt động thư viện

Lam Giang| 01/05/2017 08:39

Đầu tư đúng mức, có trọng điểm để tăng cường nguồn lực thông tin, khai thác, cung cấp, đáp ứng nhu cầu đọc và thông tin ngày càng đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân là một trong những mục tiêu mà tỉnh đặt ra từ nay đến năm 2025 cho hoạt động thư viện tỉnh Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Đóng quân nơi biên giới xa xôi, sách, báo luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu của cán bộ, chiến sĩ biên phòng. (Ảnh: Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bu Cháp đọc sách báo tại Phòng Hồ Chí Minh)

Hiện nay, nguồn lực thông tin hiện có của hệ thống thư viện công cộng còn thiếu và yếu cả về mặt số lượng và chất lượng nên chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng cao của bạn đọc.

Cụ thể, vốn tài liệu điện tử của Thư viện tỉnh Đắk Nông còn nghèo nàn và chưa được đầu tư phát triển nên người dân chưa được tiếp cận và sử dụng rộng rãi. Kinh phí bổ sung vốn tài liệu hàng năm còn hạn chế nên nguồn tài liệu phần lớn được tiếp nhận từ nguồn sách chương trình mục tiêu quốc gia, sách biếu, tặng từ trung ương và các nhà xuất bản... Do đó, nội dung và chất lượng của kho sách chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhất là các đầu sách về khoa học kỹ thuật, trồng trọt...

Thư viện tỉnh chưa có trụ sở riêng, phải làm việc ghép, giao thông không thuận tiện và ở xa khu dân cư, nên không thu hút được bạn đọc. Các phương tiện làm việc còn thiếu, không đồng bộ, gây khó khăn trong công tác chuyên môn của đơn vị.

ADQuảng cáo

Ngày nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã giúp mọi người có thể tìm kiếm tài liệu nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi. Thế nhưng, với một tỉnh điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn thì sách báo vẫn là phương tiện thuận lợi nhất để bổ sung nguồn tài liệu có độ tin cậy cao, nhất là đối với người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới. Vì vậy, với quan điểm đầu tư cho thư viện là đầu tư cho giáo dục và phát triển nguồn nhân lực địa phương, là một trong những con đường đầu tư chất xám cho xã hội, trong giai đoạn 2016- 2020 và định hướng đến năm 2025, tỉnh sẽ có nhiều giải pháp phát triển nguồn lực thông tin Thư viện tỉnh.

Cụ thể, tỉnh tập trung xây dựng Thư viện tỉnh hiện đại, hội nhập với hệ thống thư viện trong nước, khu vực và quốc tế; trong đó, ưu tiên thực hiện tự động hóa, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ-thông tin trong toàn hệ thống. Từ đó, tỉnh hình thành thư viện trung tâm làm nòng cốt để liên kết và hỗ trợ các thư viện cơ sở, đáp ứng nhu cầu đọc và thông tin ngày càng đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân.

Khuyến khích hỗ trợ, phát triển các phòng đọc sách, tủ sách khu dân cư, thư viện tư nhân, gia đình có tham gia phục vụ cộng đồng. Công tác luân chuyển sách báo xuống cơ sở, nhằm phục vụ nhu cầu đọc và khai thác thông tin của mọi người dân tiếp tục được tăng cường. Phấn đấu đến năm 2020 đạt bình quân mỗi người dân được hưởng 0,11 bản sách/năm và đến năm 2025 đạt 0,12 bản sách/năm.

Việc đầu tư nguồn lực thông tin cho thư viện được chia làm 2 giai đoạn: 2016-2020 và 2021-2025. Trong mỗi năm, bằng các nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa sẽ bổ sung 4.000-5.000 bản sách; 90 loại báo, tạp chí; xây dựng 300 tài liệu điện tử; thay thế các sách đã lỗi thời, lạc hậu không còn phù hợp.

Song song đó, công tác tuyên truyền, giới thiệu sách trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các cơ quan báo chí mở chuyên mục giới thiệu sách, tổ chức triển lãm, trưng bày sách mới, trưng bày sách tuyên truyền các sự kiện chính trị và các ngày lễ lớn của đất nước sẽ được đẩy mạnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tăng nguồn lực thông tin cho hoạt động thư viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO