“Chiều biên giới” - bản “Tuyên ngôn” tình yêu quê hương, Tổ quốc bằng thơ và nhạc

Phương Uyên| 03/03/2017 09:32

Trong tâm thức người Việt Nam chúng ta, hình ảnh biên giới vừa đẹp đẽ vừa thiêng liêng. Nó đã là nguồn cảm hứng sáng tác của các nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ.

ADQuảng cáo

Trong số các bài hát về chủ đề này có ca khúc “Chiều biên giới” của nhạc sĩ Trần Chung (1927 -  2002 ), được ông phổ nhạc từ bài thơ “Chiều biên giới em ơi!” của nhà thơ Lò Ngân Sủn (1945 – 2013).

Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (Yên Bái). Ảnh tư liệu

Trước hết, về bài thơ “Chiều biên giới em ơi” được nhà thơ Lò Ngân Sủn sáng tác vào năm 1980. Có nhà bình luận văn học đã cho rằng bài thơ này là bản tuyên ngôn bằng thơ của nhà thơ Lò Ngân Sủn, một người đàn ông dân tộc Dáy về một vùng biên giới mà ở đó, mỗi tấc đất đã thấm máu bao thế hệ cha anh hy sinh để bảo vệ, góp phần viết nên lịch sử giữ nước hào hùng của dân tộc.

Bài thơ “Chiều biên giới em ơi!” đăng trên báo Nhân Dân năm 1980, nhạc sĩ Trần Chung đọc thấy hay quá nên ngay lập tức phổ nhạc. Với giai điệu mượt mà, bay bổng nhưng lại rất hào sảng, lời bài hát hay, ngay lập tức đã được công chúng đón nhận và bài ca này đã trở thành một trong những bài hát “đi cùng năm tháng” của dân tộc.

Có lẽ chính sự đồng điệu của 2 tâm hồn nhà thơ và nhạc sĩ cộng với tình yêu quê hương, Tổ quốc da diết đã cho ra đời một tuyệt phẩm. Và tình yêu quê hương của hai cá nhân ấy đi đến tận cùng thì nó trở thành tình yêu của tất cả chúng ta với mảnh đất của chính mình:

Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào xanh hơn
Như chồi non cỏ biếc
Như rừng cây của lá
Như tình yêu đôi ta

Nhưng những câu thơ tiếp theo được vang lên trong giai điệu da diết như muốn khóc, như muốn hiến dâng trọn vẹn… đã cụ thể hóa tất cả như một bộ hồ sơ chính xác nhất cho từng cái cây, từng hòn đá, từng khúc suối, từng con dốc, từng mái nhà, từng tiếng gà gáy, từng ngọn khói… trên dọc dài biên giới nước nhà:

ADQuảng cáo

Chiều biên giới em ơi!
Có nơi nào cao hơn
Như đầu sông đầu suối
Như đầu mây đầu gió
Như quê ta - ngọn núi
Như đất trời biên cương.

Mùa xuân biên cương Tây Bắc. Ảnh tư liệu

Những điều thiêng nhất thuộc về quê hương của một con người lại là những điều giản dị nhất. Tổ quốc luôn luôn là một danh từ vĩ đại - vậy nhưng Tổ quốc lại được tạo nên bởi chính những điều giản dị. Tổ quốc của nhà thơ Lò Ngân Sủn là mùa hoa đào nở, mùa cây sở, là ruộng bậc thang…

Nếu chúng ta không sinh ra và lớn lên, không chôn nhau cắt rốn ở trên chính mảnh đất ấy, nếu chúng ta không từng đổ mồ hôi và máu trong hàng ngàn năm lịch sử để dựng lên mảnh đất ấy thì chúng ta, mà cụ thể ở đây là nhà thơ Lò Ngân Sủn, sẽ không bao giờ viết được những câu thơ với cảm xúc như thế.

Chiều biên giới em ơi
Có nơi nào cao hơn
Như đầu sông đầu suối
Như đầu mây đầu gió
Như trời quê biên cương

 Chiều biên giới em ơi,
 Đôi ta cùng chiến hào
 Tình yêu đẹp tiếng hát
 Giữ đất trời biên cương

Cứ mỗi khi giai điệu và lời thơ lấy làm ca từ của Chiều biên giới vang lên da diết đầy xúc động và thiêng liêng, tôi lại thấy yêu quê hương, Tổ quốc hơn. Nhạc sĩ Trần Chung mang bản tuyên ngôn bằng âm nhạc để hòa vào bản tuyên ngôn bằng thơ của Lò Ngân Sủn; và những bản tuyên ngôn giản dị nhưng xúc động, thiêng liêng và bất diệt của mỗi con người cộng lại thành bản tuyên ngôn của cả dân tộc về Tổ quốc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chiều biên giới” - bản “Tuyên ngôn” tình yêu quê hương, Tổ quốc bằng thơ và nhạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO