"Con đã sống trọn đời cho Tổ quốc"

Thùy Dương| 27/07/2018 10:33

Đó là câu nói trong bức thư gửi về gia đình, đoạn viết cho mẹ của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê xóm Một, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, sinh viên năm thứ 4 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trước trận đánh cuối cùng của anh tại mặt trận Quảng Trị.

ADQuảng cáo

Bức thư hiện được trưng bày tại Nhà bảo tàng trong khu di tích Thành cổ Quảng Trị. Tôi đã được tận mắt đọc bức thư ấy khi về thăm Thành cổ trong chuyến công tác miền Trung vào đầu tháng Tư vừa qua. Nét chữ nghiêng nghiêng được viết vội với nhiều đoạn, mỗi đoạn là tâm tư, tình cảm dành cho người mẹ già yếu, người vợ mới cưới, cho anh trai, chị dâu, cho đứa cháu đích tôn... Mỗi đoạn tuy ngắn nhưng là những dòng nhắn gửi cuối thấm đượm ân tình, khiến người đọc không khỏi rơi nước mắt.

Viết cho mẹ: Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước chưa đền đáp công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. ...Con rất hiểu đời mẹ khổ đã nhiều nay bao hy sinh nuôi con khôn lớn, song vì đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lại sống đến ngày đón mừng chiến thắng... Tuy thương mẹ, chưa đền đáp công ơn nuôi dưỡng, nhưng anh khuyên mẹ: Thôi nhé mẹ đừng buồn coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc... Trước bản năng sinh tồn, không ai là không muốn được sống, nhưng người chiến sĩ ấy đã chuẩn bị cho mình một tư thế rất điềm tĩnh.

Viết cho vợ mới cưới được 6 ngày: Em yêu thương! Mọi lá thư đến với em là nguồn động viên em khi xa anh. Song lá thư này đến tay em là nỗi buồn nhất và có lẽ là nỗi buồn đầu tiên trong cuộc đời em. Em ạ! Chúng ta sống với nhau chẳng được là bao thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao tình thương trìu mến. Anh khuyên vợ: “Khi nhận được thư này hãy đừng buồn nhiều cho đời tươi trẻ. Nếu có điều kiện hãy cứ đi bước nữa vì đời còn trẻ lắm”... Đặc biệt, anh còn dặn dò người vợ, sau ngày hòa bình nếu có điều kiện thì vào lấy hài cốt của anh về, anh chỉ dẫn địa chỉ nơi chôn cất: “Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hi sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về “Nhan Biều 1”. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng.Về đấy sẽ tìm thấy ghi dòng chữ đục trên mảnh tôn”. Quả đúng như anh đã viết, sau này, gia đình anh theo chỉ dẫn trong thư qua nhiều ngày tìm kiếm đã thấy mộ anh được chôn bên dòng sông Thạch Hãn.

Đài Tưởng niệm thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Tâm sưu tầm

Bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh là một trong hàng ngàn hiện vật của các chiến sĩ đã ngã xuống trong 81 ngày đêm rực lửa năm 1972 tại Thành cổ Quảng Trị (28/6-16/9). Mỗi hiện vật là một câu chuyện cảm động về sự khốc liệt, mất mát trong những ngày bộ đội ta quyết chiến với quân thù. Khi đó là mùa hè năm 1972, với quyết tâm giành thắng lợi chiến trường Quảng Trị, ta đã tổng động viên đưa vào đây 6 sư đoàn chủ lực, bao gồm Sư đoàn 304, 308, 320b, 324, 325, 312 và rất nhiều tiểu đoàn, trung đoàn thuộc nhiều binh chủng khác. Trong số đó có hàng ngàn sinh viên các trường đại học, cao đẳng miền Bắc theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, không ít những chàng sinh viên đã khai thêm tuổi để đủ tuổi vào tham gia chiến trường Quảng Trị. Cuộc chiến khốc liệt đẫm máu diễn ra, bị quân và dân ta giam chân ở vòng ngoài, địch đã điên cuồng cho không quân và hải quân ném bom bắn phá. Nơi đây, trên một diện tích chưa đầy 4 km2 đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom, 1.230.328 viên đạn pháo các loại và hơn 2.000 lượt máy bay oanh kích với sức công phá tổng cộng gấp 7 lần quả bom nguyên tử mà người Mỹ đã ném xuống Hirôsima (Nhật Bản) trong chiến tranh thế giới thứ hai. Người ta ví nơi đây như một túi bom và máy xay thịt khổng lồ, trung bình một chiến sĩ giải phóng quân phải hứng chịu 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Mặc dù trong mưa bom bão đạn nhưng các chiến sĩ giải phóng quân một tấc không đi, một ly không rời. Người này ngã xuống, người khác đứng lên thay. Cuộc chiến mỗi lúc diễn ra càng khốc liệt. Vào cuối tháng 8/1972, lực lượng hỏa lực pháo binh lớn các tuyến phòng thủ bên ngoài của ta đã bị vỡ dần. Lúc bấy giờ địch đã tràn vào trong lòng thị xã, và cuộc chiến giáp lá cà, ta bảo vệ từng bờ tường, từng mảng hào, từng mô đất. Các chiến sĩ giải phóng quân cho dù bị thương vẫn không rời trận địa quyết tâm chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.

Với một người được sinh ra khi đất nước đã bước vào giai đoạn đổi mới, không còn tiếng súng, tôi chỉ biết học thuộc lòng bài học và trong tâm luôn biết ơn thế hệ cha anh chứ không thể cảm nhận hết nỗi đau mà các chiến sĩ phải trải qua. Giờ đây, giữa không gian Thành cổ Quảng Trị, đứng trong lòng của Đài tưởng niệm, qua lời kể của người hướng dẫn viên, vẫn là những con số ấy, vẫn là sự kiện lịch sử ấy nhưng sao tôi và những du khách đến đây không ai cầm được nước mắt. Bằng chất giọng Quảng Trị trầm ấm, người hướng dẫn viên rành rọt từng lời: “Các anh ra đi khi tuổi đời chỉ 18, đôi mươi. Máu và xương của các anh đã thấm vào từng tấc đất, từng cành cây ngọn cỏ nên Đài tưởng niệm với cây đèn cao 8,1m này tượng trưng cho 81 ngày đêm rực lửa đồng thời để tưởng nhớ đến hàng ngàn chiến sĩ giải phóng quân đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất thiêng này”. Cho đến hôm nay đã hơn 45 năm qua, Thành cổ Quảng Trị đã được bao phủ bởi một màu xanh cỏ cây nhưng còn đó dưới lớp cỏ xanh kia biết bao nhiêu hài cốt của các anh hùng liệt sĩ đã hiến trọn đời mình cho quê hương đất nước. Khi về thăm đồng đội, cựu chiến binh Nguyễn Đình Lân (Hà Nội) đã phải nghẹn ngào: "Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời cũng tự trong xanh và lộng gió/ Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây/ Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật/ Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/ Cho hôm nay, tôi đến nghẹn ngào".

ADQuảng cáo

Đến với Thành cổ Quảng Trị hôm nay không chỉ nhìn lại dấu vết của một số đoạn thành, lao xá, các cổng tiền, hậu, tả, hữu mà nơi đây còn là một bảo tàng sống về ý chí và sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Mỗi tấc đất thấm đẫm máu xương của biết bao người con yêu quý trên mọi miền đất nước với một lý tưởng cao đẹp đó là sống trọn đời cho Tổ quốc vì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất non sông. Tháng Bảy mùa tri ân, tôi lại nhớ về nơi ấy, Nghĩa trang không có nấm mồ để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ:

"Cho tôi hôm nay vào Thành cổ

thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ

Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình

với người hy sinh trên mảnh đất quê mình ..."

(Nhạc sĩ Tân Huyền)

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Con đã sống trọn đời cho Tổ quốc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO