Đắk Nông tích cực chuẩn bị, tham gia các hoạt động tại Festival Di sản Quảng Nam

Mỹ Hằng| 09/06/2017 10:03

Trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, với chủ đề “Hương sắc vùng cao Quảng Nam”, tỉnh Đắk Nông sẽ tham gia các hoạt động trong Ngày hội trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao các dân tộc Việt Nam được tổ chức tại Không gian làng nghề truyền thống dân tộc Cơ Tu và Quảng trường huyện Tây Giang (Quảng Nam) từ ngày 11-13/6.

ADQuảng cáo

Theo đó, tại Ngày hội trình diễn nghi lễ dựng cây Nêu, đoàn Đắk Nông sẽ trình diễn, tái hiện lại Lễ hội “Dựng cây Nêu cúng lúa”, gắn với văn hóa truyền thống của người M’nông. Trong đêm khai mạc và chương trình giao lưu, các nghệ nhân đoàn Đắk Nông cũng sẽ biểu diễn các tiết mục hòa tấu chiêng, đàn đá, goong và múa, dân ca M’nông…Tất cả các hoạt động đều do 25 nghệ nhân là đồng bào M’nông ở xã Đắk Ngo (Tuy Đức) thực hiện. Hiện nay, các đơn vị liên quan đã và đang tích cực chuẩn bị các nội dung để tham gia ngày hội.

Cây Nêu - linh hồn trong các lễ hội của người M'nông sẽ được trình diễn tại Festival Di sản Quảng Nam. (Trong ảnh: Cây Nêu của người M'nông được phục dựng tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Nông). Ảnh: Mỹ Hằng

Theo ông Phan Xuân Thạch, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy Đức - đơn vị đảm nhận các hoạt động văn hóa, ngay sau khi nhận được Kế hoạch 274 của UBND tỉnh, huyện đã cử cán bộ chuyên môn xuống tận các bon làng, trực tiếp liên hệ với các nghệ nhân, trao đổi thông tin, hỏi ý kiến để xây dựng kịch bản chương trình cũng như lên lịch luyện tập một cách cụ thể, chu đáo. Bám sát chủ trương, kế hoạch chung, các nghệ nhân ở xã Đắk Ngo đang gấp rút hoàn thiện cây Nêu, luyện tập các tiết mục văn nghệ, thể thao để bảo đảm theo đúng kế hoạch.

Trong dịp này, các nghệ nhân cũng sẽ thể hiện khả năng sử dụng đàn đá (Goong lú) - một nhạc cụ cổ xưa của dân tộc và những làn điệu dân ca mượt mà, múa xoang của người M’nông. Nghệ nhân Điểu Nghiêm cho biết: “Đối với người M’nông, cây Nêu là trung tâm của lễ hội, là nơi đi về của các Yang (thần linh), là sợi dây kết nối mà con người có thể bắt nhịp, tiếp cận gần với với các đấng thần linh. Vì vậy, chúng tôi sẽ cố gắng làm cây Nêu theo đúng nguyên bản và hy vọng rằng, bản sắc văn hóa đặc trưng của người M’nông ở Đắk Nông sẽ được mọi người biết đến”.

ADQuảng cáo

Cùng với đó, công tác trưng bày hình ảnh văn hóa, con người của tỉnh Đắk Nông cũng được Phòng Xúc tiến quảng bá du lịch (Trung tâm Văn hóa tỉnh) triển khai thực hiện một cách khẩn trương. Các ấn phẩm như: DVD “Đắk Nông điểm đến huyền thoại”, bản đồ du lịch Đắk Nông, các ấn phẩm “Đắk Nông tiềm năng và cơ hội đầu tư”, “Cẩm nang du lịch Đắk Nông”, “Du lịch Đắk Nông hoang sơ và quyến rũ”... đã được in ấn để mang đến Festival. Tất cả các ấn phẩm, sản phẩm quảng bá du lịch đều được in bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để du khách nghiên cứu tìm hiểu. Đặc biệt, hệ thống hang động núi lửa Krông Nô vừa được phát hiện cũng được đưa vào quảng bá nhân dịp này.

Các nghệ nhân ở bon Điêng Đu, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) múa cồng chiêng trong một buổi sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Hiền

Ngoài ra, một số mặt hàng lưu niệm mang đặc trưng văn hóa của Đắk Nông, do người dân bản địa tự sản xuất như rượu cần, thổ cẩm; các món ăn truyền thống như cơm lam, thịt nướng, canh thụt, đọt mây, lá bép; các món ăn được chế biến từ cá lăng Sêrêpốk cũng được giới thiệu cho du khách.

Festival Di sản Quảng Nam có sự tham dự của 18 dân tộc thiểu số đến từ 15 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các hoạt động chính của Festival gồm: Trình diễn nghi lễ dựng cây Nêu của các dân tộc thiểu số Việt Nam; Chương trình biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống; Triển lãm, trưng bày hình ảnh hiện vật giới thiệu về vùng đất, con người, văn hóa, du lịch của đồng bào các dân tộc thiểu số; Quảng bá, xúc tiến du lịch...

Theo ông Phan Công Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Trưởng đoàn thì Đắk Nông có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, nhiều dân tộc anh em sinh sống, nhưng công tác bảo tồn bản sắc văn hóa vẫn còn gặp những hạn chế nhất định. Do đó, việc tham gia Festival Di sản Quảng Nam có ý nghĩa quan trọng để tỉnh có thể trao đổi kinh nghiệm, học tập công tác bảo tồn văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa, gắn với phát triển du lịch và các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, phù hợp với từng khu vực, vùng miền. Tham gia các hoạt động tại Festival cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh, giới thiệu văn hóa truyền thống, tiềm năng du lịch của tỉnh Đắk Nông đến đông đảo du khách gần xa. Vì vậy, tất cả các khâu chuẩn bị đều được tính toán kỹ lưỡng, chi tiết, chu đáo, với tinh thần Đắk Nông cùng giao lưu học hỏi, góp sức cho Festival thành công.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông tích cực chuẩn bị, tham gia các hoạt động tại Festival Di sản Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO